“Bữa cơm tri ân” sâu nặng nghĩa tình

Hưởng ứng chuỗi hoạt động tháng Bảy tri ân, Đoàn cơ sở và Hội Phụ nữ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 vừa phối hợp với Đoàn thanh niên xã Hương Sơn (Lạng Giang, Bắc Giang), Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội tổ chức hoạt động “Bữa cơm tri ân” tại nhà ông Phạm Văn Cẩm (SN 1933) thôn Đồn Cầu Bằng, bố liệt sĩ Phạm Văn Thị (SN 1960), chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, hy sinh tháng 2/1979 tại Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Sáng 27/7, căn nhà của ông Cẩm ấm cúng hơn ngày thường khi có sự xuất hiện của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và các tình nguyện viên cùng nhau lau dọn nhà cửa, đặt hoa quả lên ban thờ liệt sĩ, chuẩn bị thực phẩm để nấu “Bữa cơm tri ân” thành kính dâng lên người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì quê hương, đất nước. Không ai bảo ai, tất cả đều bắt tay vào công việc với niềm tự hào, phấn khởi. Vừa làm chăm chú việc, các bạn trẻ vừa nghe ông ôn lại chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện đồng, chuyện nhà, chuyện vườn, chuyện ngõ...


Cán bộ, đoàn viên thanh niên tặng quà ông Phạm Văn Cẩm.

Ông Cẩm có 13 người con (6 trai, 7 gái), những người còn sống đều phương trưởng, yên bề gia thất. Những năm tháng tuổi cao, ông sống một mình trong căn nhà cấp 4 giữa mảnh vườn rợp bóng cây xanh. Hơn 90 tuổi nhưng nhìn ông vẫn khỏe mạnh, hồng hào, vui tươi, minh mẫn, tay chân thoăn thoắt làm vườn, quét dọn nhà cửa và tự phục vụ đời sống cá nhân. Ông kể, lấy vợ năm 16 tuổi rồi đi học lớp bổ túc văn hóa trên huyện, mấy năm sau ông bà mới sinh con. Sống trong lửa đạn chiến tranh ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 5 người con trai của ông đều lần lượt xung lên đường đánh giặc. Tiễn con ra trận, ông động viên các con chân cứng đá mềm, vững tay súng bảo vệ vùng trời quê hương. Ở quê nhà, gác lại niềm riêng, ông cùng vợ tham gia sản xuất phục vụ chiến đấu, sát cánh quân và dân hết lòng vì tiền tuyến.

“Liệt sĩ Phạm Văn Thị là con thứ tư trong gia đình, bản tính hiền lành, thật thà, chịu khó ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, mò cua bắt ốc phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Năm 1978, Thị xung phong đi bộ đội, cùng đoàn quân đi khắp chiến trường bão lửa rồi hành quân lên biên giới phía Bắc. Không một lá thư, không một dòng địa chỉ, gia đình mong nhớ Thị qua những sợi khói chiều bảng lảng đồng quê. Niềm hy vọng gặp lại anh cứ chất đầy theo ngày tháng. Vậy mà, sau 1 năm, gia đình đau xót nhận được giấy báo tử, anh hy sinh ngày 25/2/1979 ở Đồng Đăng, Lạng Sơn”- ông Cẩm nhớ lại.


Ông Phạm Văn Cẩm sửa soạn bàn thờ thắp hương liệt sĩ Phạm Văn Thị.

Nhấp chén trà thơm, ông Cẩm nghẹn ngào: “Sau mấy tháng nhận giấy báo tử con trai, trong một lần lao động hợp tác xã, bà nhà tôi cuốc phải bom bi, mảnh bom xé toang lồng ngực, chết tại chỗ, khi ấy cậu con trai út Phạm Văn Viện vừa 4 tuổi. Nỗi buồn đau, u uất cứa nát tim tôi và bao phủ xuống ngôi nhà đơn sơ, ảm đạm…”. Tôi chen ngang: “Bác gái xấu số, thiệt phận, lúc ấy bác có ý định lấy thêm bà nữa không ạ?”. Ông Cẩm xua tay: “Không, nhất quyết không vì tôi thương chúng nó còn nhỏ quá. Tháng ngày lầm lũi, tôi thắt lưng buộc bụng nuôi các con khôn lớn trưởng thành, được cái đứa nào cũng ngoan và vâng lời bố nên nỗi đau trong lòng tôi cũng dần nguôi ngoai”. Với chiếc khăn lau bàn thờ thật sạch, ông Cẩm trào nước mắt: “Thị ơi, hôm nay các đồng chí ở đơn vị con và các cháu thanh niên đã đến thăm hỏi, động viên, nấu cơm cho con ăn bữa trưa đây này!"


Thắp hương tri ân liệt sĩ Phạm Văn Thị.

Mâm cơm tươm tất dọn ra. Mọi người quây quần trên chiếc bàn kê trước sân nhà. Mấy bạn tình nguyện viên thuộc Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội gắp thức ăn, mời ông Cẩm dùng bữa. Bưng bát cơm trên tay, miệng ông tươi cười nhưng đôi mắt ầng ậng nước. Anh Đoàn Xuân Chiến, Bí thư Đoàn xã Hương Sơn chia sẻ: “Hoạt động “Bữa cơm tri ân” đã mang lại không khí ấm cúng, vui vẻ khi quây quần bên mâm cơm gia đình. Qua đây, thế hệ trẻ chúng tôi được giáo dục và ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã hy sinh xương máu của mình vì độc lập dân tộc. Từ đó, chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình để cống hiến và trở thành những người có ích cho xã hội”.

Binh nhất Trần Văn Hiếu, Chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 xúc động: “Ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, chúng em nguyện là lực lượng xung kích, nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bài và ảnh: HOÀNG HANH