Khánh thành Bia lưu niệm Trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi

Ngày 12-10, tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Ban liên lạc Trường Văn hóa Quân đội-Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã tổ chức lễ khánh thành Bia lưu niệm Trường Văn hóa Quân đội-Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Tham dự buổi lễ đại diện lãnh đạo xã Mỹ Yên và huyện Đại Từ cùng đông đảo các cán bộ, giáo viên và cựu học sinh Trường Văn hóa Quân đội-Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Trưởng ban liên lạc nhà trường nhấn mạnh, đúng ngày này 58 năm trước, ngày 12-10-1965, khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng và ác liệt khắp miền Bắc, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Trường Văn hóa Quân đội theo mô hình tổ chức Thiếu sinh quân. Ngày 15-10-1965, đúng một năm sau ngày hy sinh của Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Trường Văn hóa quân đội được vinh dự mang tên Nguyễn Văn Trỗi (hay được gọi ngắn gọn “Trường Trỗi”).


Thiếu tướng Tạ Quang Chính phát biểu tại buổi lễ.

“Lễ khai giảng niên học đầu tiên (1965-1966) tại xã An Mỹ (nay là xã Mỹ Yên), huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Một trường chỉ tồn tại từ năm 1965 đến 1970, nhưng trong hành trình 5 năm đó Trường đã qua nhiều địa điểm đóng quân, từ Hiệp Hòa (Hà Bắc) đến An Mỹ (Bắc Thái) rồi chuyển sang Quế Lâm (Trung Quốc) trước khi trở về 2 địa điểm Trung Hà (Hà Tây) và Hưng Hóa (Phú Thọ) cho đến khi giải thể tháng 6-1970. Trong 5 năm ấy, thời gian ở xã An Mỹ, học sinh Trường Văn hóa Quân đội-Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã ở với dân, sống trong lòng dân, những kỷ niệm với xã nhà thật là sâu sắc”, Thiếu tướng Tạ Quang Chính bồi hồi nhớ lại.


Đông đảo cựu học sinh Trường Trỗi về dự lễ khánh thành Bia lưu niệm của Nhà trường.

Hơn 1.200 học sinh của Trường Trỗi được rèn luyện, học tập trong môi trường như Quân đội, nhận thức ngày càng đúng đắn, trưởng thành và bản lĩnh, trách nhiệm đối với Tổ quốc ngày một nâng cao. Tuy quy mô đào tạo không lớn và thời gian tồn tại không dài, nhưng với mỗi cựu học sinh Trường Trỗi luôn tự hào về ngôi trường của mình.

Đại tá Đặng Thanh Long, cựu học sinh khóa 2, chia sẻ: "Ngày đó, chúng tôi là con em các cán bộ, sĩ quan đang chiến đấu ở chiến trường và gia đình có công được cử đi học tập dưới mái trường mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Trong sự đùm bọc của người dân An Mỹ, được các thầy cô dạy dỗ, chúng tôi yêu thương nhau như anh em một nhà".


Đại diện Ban liên lạc Nhà trường trao Quỹ Nguyễn Văn Trỗi tặng UBND xã Mỹ Yên.


Trao tặng sách cho thân nhân gia đình cán bộ nhà trường.

Theo Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nhiều khóa học sinh tốt nghiệp đều nhập ngũ để rèn luyện, tham gia chiến đấu, đào tạo phục vụ Quân đội lâu dài. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh tình nguyện đi chiến đấu, 32 thầy giáo, học sinh đã anh dũng hy sinh, trong đó có 1 Anh hùng LLVT nhân dân; hơn 800 học sinh trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân, hàng trăm người là những cán bộ chủ chốt của các cơ quan Nhà nước và là những công dân tốt.

Để bày tỏ lòng biết ơn với lãnh đạo và nhân dân nơi Trường Trỗi từng đóng quân và cũng là nơi nhà trường khai giảng năm học đầu tiên (1965-1966) trong khói lửa chiến tranh, Ban liên lạc Trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi quyết định việc đặt Bia lưu niệm Nhà trường tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Bia lưu niệm có nét hơi ghồ ghề, gai góc nhưng rắn rỏi, không sợ hy sinh, gian khổ. Trong vườn Bia lưu niệm có 8 bia đá nhỏ tượng trưng cho 8 khóa học. Bên cạnh Bia lưu niệm là hai cây kim giao mà gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tặng.


Các cựu học sinh Trường Trỗi chụp ảnh bên Bia lưu niệm của Nhà trường.


Hai cây kim giao được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tặng ở hai bên cạnh Bia lưu niệm.

Nhân dịp này, Ban liên lạc Nhà trường đã lập Quỹ Nguyễn Văn Trỗi và trao tặng UBND xã Mỹ Yên sử dụng trong công tác khuyến học và hỗ trợ các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên tiền phong của xã.

Ngoài ra, ông Nguyễn Nam Điện, học sinh khóa 6 của Trường Trỗi đã trao tặng UBND xã Mỹ Yên 1 tấn sách quý, đẹp với mong muốn góp phần hình thành tủ sách Nguyễn Văn Trỗi tại thư viện của các xã và các trường học trên địa bàn.

Theo QĐND