Thiếu tướng Lê Quảng Ba - Người dẫn đường đưa Bác Hồ trở về Pác Bó

Đồng chí Lê Quảng Ba sinh năm 1915, tên thật là Đàm Văn Mông, dân tộc Tày, sinh tại Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Đồng chí từng đảm nhiệm nhiều trọng trách: Khu trưởng Khu Hà Nội năm 1946 (nay là Tư lệnh Quân khu Thủ đô); Tư lệnh Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (1949) giúp Hồng quân Trung Quốc tiêu diệt quân Quốc Dân đảng; Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 316; Tư lệnh Quân khu Việt Bắc…

Năm 1941, đồng chí Lê Quảng Ba cũng chính là người đã bảo vệ và dẫn đường đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt cột mốc 108 biên giới Trung Quốc - Việt Nam địa phận thuộc Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng để về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Lê Quảng Ba đã kể lại hành trình lịch sử này trong hồi ký của mình. Theo đó, cuối năm Canh Thìn (1940), đồng chí Lê Quảng Ba nhận nhiệm vụ dẫn đoàn của Bác Hồ từ Nậm Quang (Tĩnh Tây, Trung Quốc) về nước… Đồng chí dẫn đoàn theo những vệt đường mòn, lượn giữa các nếp núi tiếp nối nhau ở vùng biên cương hướng về Cao Bằng.

Vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, hoa lau dọc sườn núi, đồng chí Lê Quảng Ba nhận ra cây mậy rẫy (tức là cây si) sum suê như một cây đa cổ thụ, mọc không xa mốc đá 108. “Đứng cạnh Bác trên cái mốc biên giới đã quen biết ấy, nghĩ tới quê hương thân thiết ruột rà, tôi cảm thấy mình vô cùng gần gũi Bác, như đứa con yêu quý ở bên cha, như người chiến sĩ đứng sau lá cờ người tổng chỉ huy sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn nhất”, Thiếu tướng Lê Quảng Ba kể lại cảm xúc của mình trong hồi ký.

Đồng chí Lê Quảng Ba dự định sẽ đưa Bác về ở tạm nhà của gia đình ông Máy Lì, người dân tộc Nùng là cơ sở cách mạng của ta. Tuy nhiên vì thương gia đình ông Máy Lì, không muốn phiền gia đình ông phải ở chật chội vì đoàn đông người, Bác đã đề nghị chuyển đi tìm chỗ khác. Không thuyết phục được đoàn ở lại nhà mình, cuối cùng ông Máy Lì dẫn đoàn đi về phía hang núi. Hang này ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới. Người ta gọi đó là hang Cốc Bó tức hang Đầu Nguồn. Bác cùng đoàn bằng lòng ở tạm đây.


Đồng chí Lê Quảng Ba đứng giữa. Ảnh tư liệu

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí được giao nhiều trọng trách ở những địa bàn phức tạp. Khi thành lập các đại đoàn quân, đồng chí Lê Quảng Ba là một trong những Đại đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316).

Trong quá trình chỉ đạo chuẩn bị đợt tấn công thứ 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh nhiệm vụ của Đại đoàn 316 là phải tiêu diệt các cứ điểm A1, C1 và C2 mà ta chưa hoàn thành trong đợt 2. Đồng chí Lê Quảng Ba đã thay mặt cấp ủy, chỉ huy Đại đoàn 316 đề xuất phương án hạ cứ điểm Đồi A1 bằng quả bộc phá.

Ngay khi được giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Quảng Ba đã tìm gặp đồng bào địa phương để tìm hiểu cái gọi là "hầm ngầm" trên đồi A1. Có thể đó là căn hầm trước đây quân Nhật xây để tránh máy bay quân Đồng minh, được quân Pháp cải tạo thành hầm ngầm với lớp đất dầy bên trên nên khá kiên cố. Chính vì thế, quân ta đã tổ chức nhiều lần tấn công và thương vong không ít mà vẫn chưa đánh chiếm được.

Giữa tháng 4-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Chiến dịch đã dành thời gian nghe Đại đoàn trưởng 316 Lê Quảng Ba báo cáo về "chiếc hầm kiên cố trên đỉnh A1" và đề đạt phương án đào hầm vào thẳng “ruột” điểm cao A1, đưa một lượng bộc phá lớn vào để công phá cứ điểm quan trọng này.

Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, đồi A1 phát ra tiếng nổ, khói phụt lên cao và tạo ra cảm giác như động đất nhẹ trong vài giây. Một sĩ quan Pháp (Erwan Bergot) - tác giả cuốn sách "170 ngày của Điện Biên Phủ" đã kể lại: “Mọi người nghe thấy một tiếng gì đó như sấm dưới chân, làm rung chuyển đất ở trong lòng đỉnh đồi. Tiếng sấm rền lan rộng. Mặt đất trồi lên đột ngột như nắp vung chiếc nồi hơi. Một thứ hơi nóng lan ra, những tảng đất nặng hàng tấn, quyện trong những dòng thác lũ lửa bị hất tung lên cao. Đỉnh đồi Eliane 2 (đồi A1) vụt biến đi như bị núi lửa phá”.

Quân ta đã tiêu diệt cứ điểm cuối cùng hoàn thành nhiệm vụ, làm chủ khu lá chắn phía Đông, tạo nên một cục diện hoàn toàn ở phân khu trung tâm. Kể cả Sở chỉ huy của tướng De Castries đã bị đặt dưới tầm hỏa lực bắn thẳng của quân ta. Giờ cáo chung của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đến.

Đồng chí Lê Quảng Ba được thụ phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, là tướng lĩnh người Tày đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Quảng Ba được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông được cử làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ…

Ông mất năm 1988, hưởng thọ 73 tuổi.

Theo QĐND