Điện Biên Phủ qua từng trang hồi ức

Bảy mươi năm đã trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng trong Chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính Điện Biên năm xưa. Mỗi độ tháng 5 về, ký ức đó lại được Đại tá Lê Khắc Phấn nhắc nhớ, hoài niệm cùng những bài thơ viết về chiến trận Điện Biên sau ngày chiến thắng.

Về tổ dân phố Yên Trung, phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên thăm người chiến sĩ Điện Biên năm ấy. Bên ấm trà thơm, trong bộ quân phục chỉnh tề với nhiều huy chương lấp lánh, Đại tá Lê Khắc Phấn (1927) chậm rãi kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Kim Cốc, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Nhập ngũ năm 20 tuổi, năm ấy chiến sự xảy ra ác liệt, tôi và các thanh niên trong làng hăng hái lên đường. Là con một trong nhà nên cán bộ ở Huyện đội không đồng ý cho ra mặt trận. Thời gian đầu, tôi làm công việc giao liên nhưng trong lòng luôn nung nấu được cầm súng ra chiến trường đánh giặc. 

“Năm 1949, sau những tháng ngày học tập và huấn luyện hăng say tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Liên khu 4, tôi lên đường hành quân ra Bắc. Đến Cao Bằng, tôi được biên chế vào Trung đội 2, Đại đội 924, Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chức vụ lúc ấy là Trung đội phó. Hoàn thành nhiệm vụ trong Chiến dịch Tây Bắc, cuối năm 1953 chúng tôi hành quân lên Điện Biên tham gia Chiến dịch trong điều kiện vô cùng gian khổ, nhất là về đường đi, vận chuyển lương thực và vũ khí”. 

Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc đã bạc, chân chậm, tay run nhưng những lời ông Phấn kể thì rõ ràng, mạch lạc như cuốn tiểu thuyết đủ chương, hồi. 


Đại tá Lê Khắc Phấn cùng tập thơ Người lính năm xưa. 

“Trận đầu A1 sấm rền chiều hôm” 

Ngày 30-3-1954, được lệnh tiến công địch, Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công của Đại đoàn 316 trực tiếp đánh đồi A1. Thời điểm ấy, Đại đội phó Lê Khắc Phấn chỉ huy Đại đội 924 đánh nghi binh trong Chiến dịch. Đây là trận đánh khó khăn, kéo dài và thương vong nhiều nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Trong khoảng thời gian hơn một tháng chiếm giữ đồi A1, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng mét hào, khói lửa phủ kín bầu trời. Có những lúc tưởng chừng địch đã đánh bật ta ra khỏi đồi A1 nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, các cán bộ, chiến sĩ đã kiên trì đẩy lùi từng đợt phản công của địch.  Cuối tháng 4, ta bắt đầu triển khai việc đào đường hầm để đưa thuốc nổ vào đặt dưới chân hầm ngầm của địch trên đồi A1. Điểm khó khăn nhất là khu vực mở cửa đường hầm chỉ cách địch chưa đầy 50m, trong tầm lựu đạn và hoả lực bắn thẳng của chúng. Lúc này Đại đội phó Phấn cùng các đồng đội phải thay nhau dùng cuốc chim, xẻng đào hầm ngầm. Sau hai tuần ròng rã đêm ngày mới tiến được vào chân hầm địch. 

Nhấp một ngụm trà, ông bồi hồi: “Buổi đầu xuất quân trời mưa như trút nước, sấm chớp rền vang trên bầu trời Điện Biên, nước ngập hết giao thông hào, nhiều đoạn trơn trượt, tôi và đồng đội ngã ướt hết cả quần áo, nắm cơm cạnh sườn cũng lấm lem bùn đất. Khi tiến đến gần chân đồn địch, quân ta vừa đói, vừa rét, khi ăn cơm phải gạt bớt bùn đất ra mà ăn, gian khổ vô cùng”. Sau này ông có viết bài thơ:

“Nhớ hồi Chiến trận Điện Biên
Trận đầu A1 sấm rền chiều hôm
Tiến quân trời đổ mưa tuôn
Ướt người, ướt cả nắm cơm cạnh sườn
Chiến hào nước ngập bùn trơn
Để ai trượt ngã cho cơm đẫm bùn.
Không ăn bụng đói dạ run
Ăn, thì phải gạt bớt bùn mà ăn.
Chiến trường ngàn vạn khó khăn
Tinh thần quyết thắng quên băng chiến hào!”

Ông Phấn cho biết: Có những đêm cả trăm đồng chí đào hầm ngầm nhưng vì hoả lực của địch bắn như mưa, tới sáng chỉ còn một phần ba quân số sống sót, nhiều anh em nằm xuống chẳng toàn thây. Ông cùng những người còn lại đi nhặt từng mảnh thi thể, khi ấy đôi mắt ai cũng đỏ hoe vì thương đồng đội, vì căm giặc Pháp. Đưa tay lên ngực vỗ vào những huy hiệu cao quý sáng ngời, ông nói: Ngày xưa ra chiến trận, anh em chúng tôi ai cũng quan niệm “không xanh cỏ thì đỏ ngực”, chẳng ai sợ hãi cái chết. Lúc chưa nghe tiếng súng thì cũng nhớ mẹ, nhớ cha, có anh thì nhớ người yêu nhưng khi tiếng súng đã vang lên thì chẳng nhớ nhung gì nữa, chỉ biết xông lên đánh giặc giành lại hoà bình.

Lắng nghe câu chuyện, chúng tôi như được trở về thời gian của 70 năm về trước. Ngày 6-5-1954 gần 1.000kg thuốc nổ quân ta đưa vào chân đồn địch được điểm hoả. Một ánh chớp lóe sáng kèm theo tiếng nổ trầm đục, cột khói cao vút bốc lên trời, đó là hiệu lệnh để các đơn vị  xông lên giải phóng cứ điểm A1 rồi tấn công sang hầm De Castries. Đến ngày 7-5-1954 tướng De Castries bị bắt sống, lúc đó hắn ta mặc quần soóc, áo vàng, đội mũ chào mào, tay cầm ba-tong, cúi đầu đi ra từ hầm chỉ huy. 

Như chạm vào khoảnh khắc oai hùng nhất của cuộc đời, ánh mắt rực sáng, ông Phấn cất cao giọng tự hào: “Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tôi cùng đồng đội vỡ òa sung sướng, ôm lấy nhau rồi reo hò mừng thắng lợi”. 

“Người lính quyết tử yên nằm hiên ngang”

Trở về từ cuộc chiến, ông xây dựng tổ ấm nhỏ rồi tham gia công tác tại Tổng cục Hậu cần, sau này ông làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quân nhu (nay là Học viện Hậu cần) cho tới năm 1985 rồi nghỉ hưu. Vừa kể, ông vừa cho chúng tôi xem những phần thưởng, kỷ vật về một thời quá khứ oanh liệt của mình. Trên tường nhà ông trang trọng treo đủ Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng;… Trên ngực áo những huy chương lấp lánh cũng được ông Phấn cài ngay ngắn, chỉnh tề. Gương mặt người Đại tá không giấu nổi niềm tự hào về một chặng đường quá khứ rất vẻ vang. 

Một thời hào hùng được ông ghi chép lại qua những tập thơ cùng bao trang hồi ức, nhất là nỗi niềm nhớ thương đồng đội. Cuối những trang hồi ký về Chiến trận Điện Biên, ông viết: “Chiến dịch Điện Biên kết thúc cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Để đại thắng ở Điện Biên quân ta đã hy sinh rất nhiều”. Năm 2014, ông có dịp thăm lại chiến trường xưa, đứng giữa cánh đồng Điện Biên ông như hồi tưởng lại cả một thời hoa lửa:

“Vẳng nghe tiếng vọng không trung
Âm vang bộc phá nổ tung bốt đồn.
Âm vang súng pháo vang dồn
Từng chùm cao xạ vút lên bầu trời”.

Tiến bước chân về khu đông thăm đồi A1, ông viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ, các phần mộ trong nghĩa trang hầu hết là phần mộ chưa xác định được tên tuổi. Nhìn thấy đồng đội nằm lại nơi đây ông xúc động, đặt bút viết bài thơ Nghĩa trang A1. Đôi mắt rớm lệ, hai tay đan vào nhau, ông xúc động: “Nước nhà độc lập, nhìn các anh nằm lại chiến trường tôi thương và nhớ đồng đội quá, nhiều anh khi ấy còn chưa có vợ, có con”. Người Đại tá chậm rãi thắp một nén hương trước bàn thờ gia tiên, mùi trầm thơm tỏa khắp gian nhà, ông đưa tay lau giọt nước mắt: “Thắp nén hương trầm tôi cầu mong các anh yên giấc ngàn năm”. Chiến thắng này là của toàn dân tộc, của toàn quân, của các chiến sĩ Điện Biên. Người trước ngã xuống, người sau xông lên mới có được thắng lợi này. 

Bảy mươi năm đã trôi qua, những hồi ức của một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính Điện Biên năm ấy, bao bài thơ về những ngày chiến trận vẫn được ông nắn nót viết ra mỗi dịp tháng 5 về. Đại tá Lê Khắc Phấn mong rằng thế hệ trẻ hôm nay luôn nhớ đến quá khứ hùng tráng, anh dũng ấy của dân tộc Việt Nam, từ đó tiếp nối những truyền thống vẻ vang, xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh. 

Bài và ảnh: THÙY LINH