Đến Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4 (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) tìm hiểu về công tác tập luyện diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), chúng tôi được nghe những câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, Khối nữ quân y có nhiều câu chuyện “đặc biệt”, thể hiện rõ nghị lực, trách nhiệm với đơn vị và Quân đội, đất nước.
Theo giới thiệu của một đồng chí cán bộ đảm nhiệm huấn luyện diễu binh, diễu hành, tôi rảo bước tiếp cận Khối nữ quân y khi tiếng còi nghỉ giải lao vừa vang lên. Các nữ quân nhân ùa ra rồi tản vào những tán cây ven đường, tiếng cười nói vang lên rôm rả như xua tan không khí ngột ngạt, oi bức đầu hè.
Được sự đồng ý của chỉ huy khối, tôi có dịp trò chuyện với các nữ quân nhân và được biết, xung quanh câu chuyện họ viết đơn xung phong đi luyện tập, tham gia diễu binh, diễu hành, có những hoàn cảnh khiến ai biết cũng cảm phục.
Chỉ huy đơn vị trò chuyện với các nữ quân nhân trong giờ nghỉ giải lao.
Trung úy QNCN Hoàng Thị Linh (Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên) kể với tôi bằng giọng nhỏ nhẹ: “Vợ chồng tôi công tác cùng đơn vị, ít có thời gian chăm sóc gia đình nên việc chăm lo cho các con phải nhờ ông bà nội, ngoại. Khi chỉ huy đơn vị phổ biến kế hoạch tuyển chọn lực lượng luyện tập diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mạnh dạn xung phong. Người thân và đồng đội đều tỏ ra e ngại, bởi con đầu của tôi học lớp 1, con thứ hai mới 26 tháng tuổi, trong khi bố mẹ đẻ của tôi đã cao tuổi, chỉ trông cháu được chứ không thể đến trường đón cháu. Thế nhưng bố mẹ hai bên đều ủng hộ, động viên tôi tham gia tập diễu binh. Ở nhà, cả gia đình sẽ chung tay chăm lo cho hai con".
Thiếu tá QNCN Nguyễn Thu Hà (Cục Chính trị Quân khu) tâm sự: "Do bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng đều ở xa nên chúng tôi quyết định thuê người trông con nhỏ gần 28 tháng tuổi. Hằng ngày, sau mỗi buổi tập, tôi đều dành thời gian gọi điện thoại nói chuyện với các con. Được tham gia diễu binh, diễu hành là vinh dự lớn, không phải ai cũng có cơ hội thực hiện nên tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng...”.
Tương tự, Trung úy QNCN Hoàng Thị Hiến (Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn) có bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng đều ở xa hơn 50km nên phải thuê người trông con bán thời gian với tiền công 5 triệu đồng/tháng. Dù vậy, trò chuyện với chúng tôi, Trung úy QNCN Hoàng Thị Hiến bày tỏ quyết tâm vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thượng úy QNCN Hoàng Thị Kim Anh (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338) cũng có con mới 26 tháng tuổi, phải gửi ông, bà ngoại trông. Kim Anh kể: “Bố mẹ tôi còn trẻ khỏe, con tôi cũng ngoan nên tôi rất yên tâm thực hiện nhiệm vụ...”.
Chăm chú dõi theo câu chuyện của các đồng đội, Thiếu úy QNCN Đinh Thị Hằng (Bệnh viện Quân y 110, Cục Hậu cần Quân khu) kể: “Tôi làm nhiệm vụ chuyên môn ở bệnh viện nên các con cũng quen với việc mẹ vắng nhà mỗi khi đi trực. Dù vậy, lần nào tôi gọi điện thoại về, con trai bé cũng mếu máo đòi mẹ về sớm. Để trấn an con, tôi bảo "mẹ đang đi tập diễu binh hoành tráng như trên ti vi" thì con lại vui vẻ đồng ý...”. Được biết, con thứ hai của Thiếu úy QNCN Đinh Thị Hằng cũng mới hơn 2 tuổi...
Bài và ảnh: HÀ KHÁNH