Những chiếc xe đạp thồ trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thượng tá NGUYỄN VĂN TUYNH, Trưởng phòng Vận tải, Cục Hậu cần

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh. Để góp phần vào chiến thắng lịch sử đó, những chiếc xe đạp thồ với hàng vạn dân công hỏa tuyến đã ngày đêm tải hàng ra tiền tuyến, đã cho thấy trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.


Xe đạp thồ được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 tái hiện trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TH

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác bảo đảm hậu cần được coi là khó khăn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch. Trong điều kiện tiền tuyến cách xa hậu phương đến 500km, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường sá bị địch đánh phá hư hỏng nặng nề, phương tiện giao thông cơ giới không thể sử dụng. Tuy nhiên, với trí tuệ, bản lĩnh con người thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đã sáng tạo ra những chiếc xe đạp thồ thô sơ, đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 20.000 xe đạp thồ đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ lên đến Tây Bắc đã cùng những đoàn dân công hỏa tuyến vượt núi, băng rừng đi qua những quãng đường đèo dốc hiểm trở, ngày đêm bị máy bay địch đánh phá để cung cấp, bảo đảm 80% vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Giai đoạn đó, lực lượng dân công đã gia cố, lắp đặt thêm một số bộ phận cho xe đạp nam thành xe đạp thồ để vận chuyển.

Xe đạp thồ là phương tiện vận tải thô sơ truyền thống, có tính việt dã cao, không cần nhiên liệu, thích ứng với nhiều địa hình, điều khiển nhẹ nhàng, thuận lợi; năng suất vận chuyển cao hơn nhiều so với sức người mang vác, bảo đảm được yếu tố bí mật, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau, vận chuyển được cả thương binh nặng, thương binh vừa và nhẹ. Vận chuyển hàng hóa, xe đạp thồ có thể vận chuyển được từ 200 đến 300 kg/chuyến xe. Trong chiến tranh giải phóng trước đây có một số dân công đã vận chuyển trên 300kg/chuyến xe. Ngoài ra, xe đạp thồ còn được sử dụng trong vận chuyển thương binh nặng, thương binh vừa và nhẹ từ 2 đến 3 thương binh/chuyến xe. Tốc độ vận chuyển từ 3 đến 5 km/h. Số lượng người sử dụng từ 1 đến 3 người/xe.

Tại Điện Biên Phủ, những chiếc xe đạp thồ của lực lượng dân công đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống vận tải vận chuyển bảo đảm cho Chiến dịch, những chiếc xe đạp thồ giai đoạn đó như là một biểu tượng của sự sáng tạo và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, những chiếc xe đạp thồ đã được huy động và tận dụng một cách tối đa để đảm bảo lương thực, đạn dược và các vật chất quan trọng khác từ các khu vực phía sau tới các vị trí chiến đấu trên địa bàn Điện Biên Phủ.

Để tái hiện lại những hình ảnh hùng tráng của lực lượng dân công hỏa tuyến trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cục Vận tải phối hợp với Khoa Vận tải, Học viện Hậu cần biên soạn tài liệu “Huấn luyện kỹ thuật sử dụng xe đạp thồ cho khối dân công hỏa tuyến trong lễ diễu binh, diễu hành”. Xe đạp thồ được thiết kế bổ sung gia cố, lắp đặt thêm cho xe thồ các bộ phận điều khiển gồm (tay ngai và cọc thồ); bộ phận giá để hàng; hệ thống phanh và bộ phận chịu lực. Tay ngai là tay lái của xe đạp thồ, được làm bằng tre, gỗ hoặc bằng ống kim loại. Chiều dài tay ngai từ 800 đến 1.000mm, đường kính khoảng 30mm và được cố định vào tay lái phía bên trái (đối với người điều khiển xe thuận tay phải) hoặc bên phải (đối với người điều khiển xe thuận tay trái). Cọc thồ là bộ phận để điều khiển thăng bằng cho xe đạp thồ, được làm bằng tre, gỗ hoặc bằng ống kim loại, có chiều dài từ 1.500 đến 1.600mm, đường kính từ  30 đến 50mm, được gia cố chặt vào khung xe theo tuýp dọc yên xe. Giá để hàng là bộ phận để đặt vật chất cần vận chuyển, được làm bằng tre, gỗ hoặc sắt. Mỗi xe đạp thồ gồm 2 giá để hàng, được gia công hình chữ nhật có chiều dài từ 800 đến 900mm, chiều rộng từ 400 đến 500mm, đầu phía trước treo trên khung xe, đầu phía sau treo lên giá đèo hàng (gacbaga) của xe đạp thồ bằng hệ thống các móc và dây xích sắt. Hệ thống phanh sử dụng để hãm tốc độ khi điều khiển xe đạp thồ xuống dốc hoặc dừng lại.

Xe đạp thồ làm từ xe đạp nam, quá trình vận chuyển thường gặp những hư hỏng ở vành xe, tuýp ngang và cổ fuốc, như: Cong hoặc gãy vành xe; gãy tuýp ngang, gãy cổ fuốc. Do đó, cần gia cố bộ phận chịu lực để tăng độ cứng, chắc cho xe đạp thồ. Cụ thể: Để tăng chịu lực và chống gãy vành xe, gia cố bằng ba thanh kim loại hoặc gỗ cứng liên kết theo hình sao giữa trục và vành bánh xe. Để tăng chịu lực và chống gãy tuýp ngang của khung xe, gia cố bằng thanh tre già, gỗ cứng hoặc bằng kim loại liên kết từ trục giữa đến tuýp ngang. Để chống cổ fuốc bị gãy, gia cố trục dọc bằng các thanh thép nối từ trục trước lên tay lái.

Người điều khiển xe đạp thồ cần phải là người có sức khoẻ, được huấn luyện kỹ thuật thồ hàng thành thạo. Điều khiển xe đạp thồ luôn phải giữ vị trí thăng bằng, một tay giữ vững cọc thồ, một tay điều khiển hệ thống tay lái (tay ngai), giữ xe nghiêng về phía người khoảng 5 độ, đồng thời người nghiêng về phía xe khoảng 10 độ, tư thế hơi lao về phía trước; tốc độ xe lăn bánh vừa với tốc độ người đẩy (nhanh hơn tốc độ bình thường) khoảng 3 đến 5km/h.

Khi vào đường vòng tốc độ phải chậm và nghiêng xe về phía người điều khiển để bảo đảm cân bằng. Khi lên dốc cao, đường khó đi phải có người hỗ trợ đẩy, kéo... Khi xuống dốc kết hợp sử dụng phanh hãm từ đỉnh dốc (không để thả trôi, phanh gấp); tư thế người điều khiển hơi ngả về phía sau, chân hơi chùng để ghìm xe.

Nếu xuống dốc cao phải có người kéo, ghìm phía sau hoặc buộc thêm cành cây để tăng lực cản. Khi qua ổ gà, rãnh, tốc độ phải chậm và lấy đà đẩy thích hợp khi vượt qua. Khi vận chuyển qua các đoạn đường trơn lầy, tốc độ đẩy xe phải chậm, không quay vòng gấp dễ trượt... phải thường xuyên kiểm tra gia cố xe, hàng hóa trong quá trình vận chuyển. 

Đội hình xe đạp thồ của khối dân công hỏa tuyến diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 45 đồng chí nam quân nhân dưới 30 tuổi có chiều cao từ 1,70 đến 1,80 mét, sức khỏe tốt, quân dung tươi tỉnh, thân hình cân đối và 1 đồng chí khối trưởng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, có sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến, trong đó lực lượng vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm... bằng xe đạp thồ giữ vai trò quan trọng, quyết định đến hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch.