Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” vừa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội phấn đấu, phát triển, nâng tầm đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD-nhân tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của các học viện, nhà trường Quân đội.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” vừa được Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức, đại biểu các cơ quan, đơn vị, nhà trường, cán bộ QLGD trong toàn quân đều bày tỏ phấn khởi, lạc quan trước một quyết sách mang tầm chiến lược về công tác GD-ĐT trong Quân đội chính thức đi vào cuộc sống.
Giờ học thực hành của học viên tại Khoa Cơ điện, Học viện Hải quân. Ảnh: TRỌNG THIẾT
Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu), nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những yêu cầu phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ rất nhanh đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có GD-ĐT. Các vấn đề mới, như: “Giáo dục thông minh”, “chuyển đổi số”, “đại học số” đang dần trở nên phổ biến. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có ý nghĩa quyết định đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác GD-ĐT trong Quân đội.
Hầu hết lãnh đạo các nhà trường Quân đội cũng cho rằng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, BQP, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD trong Quân đội những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Tổ chức, biên chế liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD chưa thật ổn định; tỷ lệ nhà giáo, cán bộ QLGD đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và BQP còn thấp; số lượng nhà giáo, cán bộ QLGD là nhà khoa học đầu ngành, giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), TS trong các trường sĩ quan còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc, đội ngũ kế cận mỏng...
Giảng viên và học viên Học viện Chính trị tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập. Ảnh: HỒNG SÁNG
Ví như ở Học viện Chính trị, mặc dù là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội nhưng so với yêu cầu đặt ra, tỷ lệ nhà giáo, cán bộ QLGD có chức danh khoa học, nhất là chức danh GS, PGS, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú của Học viện chưa tương xứng với tiềm năng.
Hiện Học viện có 7 Nhà giáo Nhân dân, 24 Nhà giáo Ưu tú, 1 GS, 42 PGS, 96 TS, 275 thạc sĩ. Theo Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị, trên cơ sở nội dung của đề án, Học viện sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện công tác GD-ĐT; thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nhất là đối với các nhà giáo có năng lực, trình độ, chức danh khoa học, học vị cao. Phấn đấu đến hết năm 2030, Học viện có trên 95% nhà giáo, cán bộ QLGD đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và BQP; trên 80% nhà giáo qua cương vị chỉ huy, quản lý cấp trung đoàn, sư đoàn; từ 20% đến 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Trung tướng Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2, chia sẻ: Với chủ trương, giải pháp đúng, sự nỗ lực, tự giác, kiên trì học tập, tự bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên và cán bộ QLGD của nhà trường đã từng bước được chuẩn hóa, kiện toàn, bảo đảm sự cân đối cả về độ tuổi, ngành nghề. Nhưng trước yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT có sự phát triển mới, việc xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ QLGD có mặt chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng có nội dung chưa sát đặc điểm, trình độ của đối tượng; việc chuẩn bị các điều kiện, nhất là tiêu chuẩn ngoại ngữ để đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài chưa đầy đủ... Xuất phát từ thực tế đó, đồng thời trên cơ sở đề án được triển khai thực hiện với những mục tiêu, yêu cầu cụ thể, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng toàn diện cả về học vấn, trình độ quản lý, chỉ huy, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, cán bộ QLGD. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên, cán bộ QLGD yên tâm công tác, phát huy tài năng trong nghề nghiệp, phấn đấu vươn lên hoàn thành chức trách, nhiệm vụ người thầy trong sự nghiệp “trồng người”.
Giờ học thực hành của học viên tại Khoa Cơ điện, Học viện Hải quân. Ảnh: TRỌNG THIẾT
Tìm hiểu tại Trường Sĩ quan Công binh, chúng tôi được biết, hiện nhà trường có 22 TS, 172 thạc sĩ. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhưng so với mặt bằng chung trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên cả nước thì tỷ lệ TS, thạc sĩ của trường còn thấp. Đại tá, Thạc sĩ Trần Thanh Khôi, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Công binh bày tỏ rất tâm đắc về các nội dung, chỉ tiêu của Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” được xác định cụ thể theo từng giai đoạn.
Từ thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD của nhà trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Công binh xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát quy hoạch, kiện toàn đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD bảo đảm có tính kế thừa, phát triển, ổn định vững chắc, gắn với thực hiện chủ trương điều chỉnh, sắp xếp lại lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh.
Trong đó, chú trọng xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD về trình độ chuyên môn, chức danh khoa học, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin theo quy định của BQP. Mặt khác, nhà trường chú trọng lựa chọn, gửi cán bộ, giáo viên đi thực tế tại các cơ quan, đơn vị nhằm củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng GD-ĐT. Vì vậy, các nhà trường Quân đội phải coi trọng kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, chuẩn hóa về chất lượng và có lượng dự trữ phù hợp.
Giảng viên Khoa Vô tuyến điện, Học viện Kỹ thuật Quân sự truyền thụ kiến thức cho học viên. Ảnh: HỒNG SÁNG
Để làm được điều đó, toàn quân phải bám sát định hướng của Quân ủy Trung ương, BQP, đẩy mạnh kiện toàn hệ thống nhà trường bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, phù hợp yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Quá trình thực hiện, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với đề bạt, bổ nhiệm, bố trí sử dụng; quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD.
Coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có chức danh khoa học, giáo viên dạy giỏi, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Từng năm học, khóa học, các trường tổ chức tốt các cuộc diễn tập chỉ huy-cơ quan gắn với đối tượng đào tạo, giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên gắn lý luận với thực tiễn; thực hiện tốt kế hoạch luân chuyển giảng viên, cán bộ QLGD giữ cương vị quản lý, chỉ huy ở các đơn vị để rèn luyện, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh đổi mới GD-ĐT đang trở thành vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị, nhà trường phải quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, BQP; đồng thời bám sát sự phát triển của thực tiễn, tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT trong Quân đội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo QĐND