14 ngày chan chứa nghĩa tình

Cảm phục tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, không quản ngại khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123 (Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn) trong khu cách ly, nhiều công dân khi hoàn thành cách ly đã dành những tình cảm tốt đẹp, những lời cảm ơn chân thành gửi tới những người lính Cụ Hồ đang ngày đêm góp sức vì sự an toàn của xã hội. Một bài viết đầy xúc động do tài khoản facebook Hongnhung Duong (chủ tài khoản Dương Thị Nhung - 32 tuổi) đăng tải mới đây đã thu hút hàng trăm lượt tương tác và chia sẻ trên một số diễn đàn mạng xã hội Facebook, góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Ngay khi bài viết “Lời cảm ơn” của chị Nhung được đăng tải trên nhóm Facebook có tên “Quân đội Nhân dân Việt Nam”, nhiều thành viên trong nhóm và bạn bè trên facebook của chị đã bấm “Like” và chia sẻ, bình luận, ca ngợi những cống hiến thầm lặng của các anh  bộ đội trên mặt trận chống dịch Covid-19.


Niềm vui của chị Dương Thị Nhung (ngoài cùng bên phải) và các công dân khi hoàn thành cách ly tại Trung đoàn 123. Ảnh facebook nhân vật.

Trong bài viết của mình, chị Nhung thay mặt những người tham gia cách ly tại Trung đoàn 123 từ ngày 28-2 đến 13-3, gửi tới cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123 lời cảm ơn sâu sắc. Chị Nhung xúc động bày tỏ: “Các anh đã vất vả, không quản nắng mưa, không quản ngày đêm để phục vụ những người con của đất Việt khi từ Trung Quốc trở về... Khi chưa vào khu cách ly thì tâm lý ai cũng hoang mang, không biết nơi ăn, chốn ở ra sao?... Nhưng sau khi trải nghiệm thực tế 14 ngày ở đây thì mọi suy nghĩ và cảm xúc trong tôi khác hoàn toàn. Nơi ăn chỗ ở rất sạch sẽ, các anh chiến sĩ phục vụ nhiệt tình. Cán bộ thì luôn quan tâm tới chúng tôi. Y tế hằng ngày kiểm tra thăm nom rất chu đáo. Những ngày đầu chúng tôi vào đơn vị trời mưa to, gió lạnh rét căm căm, ở trong phòng còn cảm thấy lạnh buốt mà các chiến sĩ vẫn mặc áo mưa dọn dẹp vệ sinh, chẻ củi đun nước cho chúng tôi tắm rửa. Đến giờ thì lấy cơm và đưa tới từng phòng. Ngày 3 bữa ăn đầy đủ. Nhìn các anh vất vả trong lòng chúng tôi cảm kích vô cùng... Chúng tôi luôn tự hào và biết ơn các anh nhiều lắm...

Đất nước ta thật nhân hậu và bao dung. Không bỏ mặc những đứa con xa quê trở về. Cũng vì cuộc sống mưu sinh mà chúng tôi phải sang nước bạn làm ăn xa xứ. Khi có dịch bệnh, đất nước vẫn dang rộng cánh tay đón chúng tôi trở về và cách ly an toàn. Những ngày trong môi trường quân đội chúng tôi cũng học được nhiều thứ. Ý thức và nền nếp hơn. Biết cảm thông và chia sẽ cùng các chiến sĩ, thấu hiểu sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ nơi đây... Quân đội là một nơi rèn luyện con người ta có sức kiên trì, bền bỉ, tự lập và đoàn kết hơn. Chúng tôi, những con người xa lạ, mỗi người một quê nhưng khi vào môi trường này bỗng trở nên thân thiết, tình cảm đến lạ kỳ. Như anh chị em trong một mái nhà vậy...”.

Trò chuyện với chị Nhung, tôi được biết, chị sang Trung Quốc làm việc cho một số cơ sở sản xuất nhỏ thuộc TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây từ mấy năm nay. Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý tại quê nhà (xã Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên), chị trở lại Trung Quốc làm việc thì dịch bệnh bùng phát. Trở về nước, chị Nhung vào cách ly tại Trung đoàn 123, cùng đợt với gần 400 công dân khác, hầu hết là những người sang nước bạn mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau và là trụ cột kinh tế của gia đình. Phòng chị ở cách ly có 7 chị em, mỗi người một quê, một hoàn cảnh, mới vào, ai cũng băn khoăn lo lắng. Bản thân chị có 3 con nhỏ ở quê, ngày chị vào cách ly thì ở quê một số người bàn tán, tung tin đồn nhảm khiến con gái lớn đang học lớp 5 khóc đỏ mắt vì nghĩ rằng mẹ bị bệnh, bị “bắt giam”. Vốn là người cởi mở, hoạt bát, sau khi trấn an người thân qua điện thoại, phản bác tin đồn thất thiệt liên quan đến mình, cũng như liên quan đến việc cách ly công dân trên Facebook, chị chủ động trò chuyện, nắm bắt hoàn cảnh từng người trong phòng để cùng động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Những ngày ở khu cách ly, tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sĩ tất bật ngày đêm chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe người dân, chị Nhung cùng những người khác rất cảm phục. Không ai bảo ai, mọi người tự giác chấp hành quy định, nêu cao ý thức giữ vệ sinh chung. Chị Nhung tâm sự: “Có lần, nhìn thấy chiến sĩ bằng tuổi em trai mình ở quê một mình cần mẫn dọn dẹp khu nhà tắm, thu nhặt đủ thứ rác sinh hoạt do một số chị em thiếu ý thức xả ra mà tôi không cầm được nước mắt. Từ hôm đó, tôi nói mọi người phải dừng ngay những hành động như vậy”. Theo lời kể của chị Nhung, hình ảnh cán bộ Long, cán bộ Quân phụ trách dãy nhà ngày ngày sâu sát, quan tâm động viên; chiến sĩ Khuyến đảm đương việc phục vụ gần 40 công dân, không nề hà bất cứ việc gì, sẵn sàng chạy đi mua đồ, lấy nước giúp người dân cứ thế dần in sâu vào tâm trí mọi người. Tình cảm ấy khiến mỗi người tự ý thức về trách nhiệm của mình, cùng đoàn kết giúp nhau khắc phục khó khăn trong những ngày cách ly. 

Trong câu chuyện chứa chan cảm xúc, chị Nhung nhắc tới trường hợp chị T (19 tuổi), quê ở Bắc Giang, lấy chồng bên Trung Quốc nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn. Vừa sinh con được nửa tháng, chị T phải về nước để làm thủ tục gia hạn thị thực và phải vào cách ly theo quy định. Hai ngày đầu, T chẳng nói chuyện với ai, hễ ai hỏi chỉ ôm mặt khóc. Khi biết chuyện, mọi người trong phòng động viên, an ủi, thay nhau giặt giũ, chăm sóc T như “mẹ chăm con”, đỡ đần T ở cữ để hoàn thành thời gian cách ly. Hay trường hợp chị V (25 tuổi), quê ở Lạng Sơn về nước gia hạn thị thực khi đang mang thai tháng thứ ba, bị ốm nghén, mấy ngày đầu không ăn được miếng cơm nào, chỉ ăn mì tôm “cầm hơi”. Cũng may có chiến sĩ Khuyến hiền lành, tốt bụng, ngày mấy lần chạy xuống căng tin mua mì, lấy nước sôi giúp “bà chị” pha mì chống đói.

Trao đổi với Đại úy Bàn Văn Long, Phó đại đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 123, người phụ trách dãy nhà cách ly số 2 (một trong những cán bộ, chiến sĩ được chị Nhung nhắc tới trong câu chuyện của mình), anh cho biết: “Các đợt tiếp nhận, cách ly công dân, chúng tôi gặp nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất đáng ngại. Khi ấy, ngoài sự quan tâm, sâu sát của cán bộ đơn vị, chúng tôi động viên người dân cùng đồng cảm, sẻ chia, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng bộ đội đồng lòng chống dịch. Với bản thân, chúng tôi nêu cao tinh thần “vì dân, coi người dân như người thân của mình”. Trong các công dân cách ly tại Trung đoàn, chị Nhung là người có ý thức chấp hành quy định rất tốt, rất nhiệt tình. Đến khi đọc những lời cảm ơn của chị Nhung viết, tôi cũng rất bất ngờ vì không nghĩ việc làm bình thường của chúng tôi lại khiến người dân cảm kích như vậy”.

Trong phần cuối bài viết của mình, với tất cả tấm lòng, trách nhiệm của một người dân có may mắn được trải nghiệm 14 ngày đáng nhớ trong doanh trại quân đội, chị Dương Thị Nhung nhắn nhủ mọi người: “Những ai đang có ý định trở về quê hương trong thời điểm dịch bệnh thì hãy ý thức và tự vào cách ly để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Hãy tin tưởng vào Đảng và Nhà nước ta. Hãy chung tay đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh”. 

Tâm sự về 14 ngày đáng nhớ của chị Nhung đã được nhiều diễn đàn, trang facebook cá nhân chia sẻ, đăng tải. Với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123 nói riêng, cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung, đây là sự ghi nhận, nguồn động viên kịp thời giúp các anh luôn vững vàng ý chí, nỗ lực vượt khó, cùng nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh.

MẠNH NGUYÊN