Tình hình dịch COVID-19 tại ASEAN hết ngày 5/4: 'Top 5' tăng mạnh số ca nhiễm, Thái Lan tự sản xuất bộ kit xét nghiệm

Tính tới hết ngày 5/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 13.000 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 442 người tử vong. Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục xu thế tăng mạnh tại “Top 5” nước gồm Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Singapore.


Cảnh vắng vẻ tại trung tâm thương mại ở Singapore ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Tính tới rạng sáng 6/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 13.182 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 636 ca mới.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 442 người ở khu vực này, tăng 22 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số người nhiễm bệnh được điều trị thành công tăng mạnh, với 2.351 trường hợp khỏi bệnh. 


Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở Damansara, gần Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong ngày 5/4, năm nước ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới nhiều nhất khu vực (Top 5) lần lượt là Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia. Philippines là quốc gia có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất khu vực (8 người).

Cụ thể, tại Malaysia, giới chức y tế thông báo đã ghi nhận thêm 179 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 3.662 ca. Theo Bộ Y tế Malaysia, nước này cũng đã ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 61 người. Trong số các ca nhiễm tại Malaysia, có 1.005 người đã được điều trị khỏi, 99 người đang được chăm sóc tích cực.

Giới chức y tế Malaysia đã hối thúc người dân hợp tác và trung thực với nhà chức trách nếu như họ có tiếp xúc với người nhiễm bệnh, về lịch trình đi lại, hay tham dự sự kiện có sự lây nhiễm cao. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có 1 bệnh nhân trở về từ Italy đã lây nhiễm cho 37 người, trong đó có 5 người đã tử vong.


Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines, Bộ Y tế nước này đã xác nhận thêm 8 ca tử vong và 152 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2.

Theo trang worldometers.info, tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Philippines hiện là 3.246 ca và 152 ca.

Sáng 5/4, một nhóm chuyên gia y tế gồm 12 người đã khởi hành từ thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến ở miền Đông Trung Quốc, đến Philippines để hỗ trợ nước này ngăn chặn tình trạng bùng phát của dịch COVID-19.

Theo Tân Hoa Xã, nhiệm vụ của nhóm chuyên gia này sẽ là chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong công tác xét nghiệm, điều trị, ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 với các bệnh viện và chuyên gia địa phương, cũng như tư vấn về phương pháp điều trị.


Người dân tập thể dục tại Vịnh Marina, Singapore ngày 1/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 5/4, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 120 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là mức tăng các ca nhiễm mới cao nhất được thông báo trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á này. 

Số lượng các ca nhiễm bệnh mới nói trên thể hiện tốc độ gia tăng tới 60% so với 75 trường hợp được xác nhận trong ngày 4/4, mức tăng cao nhất trước đó. Đến nay, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 1.309 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 trường hợp tử vong.

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Singapore đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ 7/4 và đóng cửa trường học từ ngày 8/4, đồng thời triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Theo đó, các nơi làm việc sẽ phải đóng cửa bắt đầu từ ngày 7/4, trừ một số dịch vụ thiết yếu và các ngành kinh tế chủ chốt. Các siêu thị, trung tâm dịch vụ ăn uống công cộng, bệnh viện, ngân hàng, giao thông công cộng sẽ tiếp tục được duy trì.

Các trường học từ tiểu học đến đại học sẽ chuyển sang học trực tuyến tại nhà từ ngày 8/4. Các trường mẫu giáo, trung tâm giữ trẻ sẽ dừng hoạt động. Các trường tư thục cũng sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến. Thời gian áp dụng quy định trong 1 tháng.


Nhân viên y tế Indonesia xét nghiệm nhanh cho người dân nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19, ở Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 5/4, Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về COVID-19 Achmad Yurianto cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại '"quốc gia vạn đảo" đã tăng lên 198 ca, trong khi số ca nhiễm mới và phục hồi lần lượt là 2.273 ca và 164 ca. Jakarta hiện có số ca tử vong cao nhất với 95 ca, tiếp đó là Tây Java với 28 ca, Trung Java với 18 ca, Banten với 17 ca và Đông Java với 14 ca.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế. Nhà chức trách đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại những nơi phát hiện ca nhiễm, đồng thời hối thúc người dân luôn đeo khẩu trang nhằm kiểm soát sự lây lan.

Chính phủ Indonesia đã chuyển Wisma Atlet Kemayoran, tổ hợp các tòa chung cư tại trung tâm thủ đô Jakarta, vốn được dùng làm nơi ở cho các vận động viên tham gia thi đấu tại Asian Games 2018, thành bệnh viện khẩn cấp để chữa trị cho 24.000 bệnh nhân mắc COVID-19. Ngoài ra, Indonesia đã xây dựng thêm một bệnh viện khẩn cấp tại khu vực có diện tích 16 hecta trên đảo Galang. Bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động vào ngày 6/4.


Người dân mua thuốc tại hiệu thuốc ở Bangkok, Thái Lan trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan đã tự sản xuất được các bộ kit xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Người phát ngôn Trung tâm quản lý tình huống COVID-19, bác sĩ Taweesin Visanuyothin, cho biết lô hàng đầu tiên gồm 20.000 bộ xét nghiệm đã được Bộ Cao học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo (MHESRI) cùng Siam Bioscience và DMSC bàn giao cho Chính phủ Thái Lan.

Bác sĩ Taweesin nhấn mạnh sáng chế này có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt các bộ xét nghiệm bằng cách hạ giá thành xuống chỉ 1.500 baht (45 USD) mỗi bộ, trong khi giá thành nhập khẩu cao hơn gấp 3 lần, vào khoảng 4.500 baht mỗi bộ (135 USD). Siam Bioscience và DMSC đang đặt mục tiêu sản xuất và bàn giao 100.000 bộ xét nghiệm cho Chính phủ trong vòng 6 tháng để phân phối cho 100 bệnh viện trên toàn quốc.

Trong khi đó, Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Thái Lan (NSTDA) vừa cho ra mắt một robot diệt virus bằng tia cực tím (UV) mang tên “Robot diệt mầm bệnh” (Germ Saber Robot).


Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi mua hàng trong siêu thị tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/ TTXVN

Thiết bị này do Trung tâm Công nghệ Lưỡng dụng (NSD) của NSTDA cùng Viện Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật Di truyền của Đại học Chulalongkorn phối hợp phát triển. Robot có thể phát ra tia tử ngoại (UVC) với bước sóng 250nm (nanometre), làm tăng tính hiệu quả trong việc khử trùng vì tia này có thể phá hủy DNA của virus, vi khuẩn, nấm mốc và những mầm bệnh khác

Hết ngày 5/4, Thái Lan  đã công bố thêm 102 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 2.169 và tổng số ca tử vong lên 23 người.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi "Top 5" nước ASEAN đang đối mặt với tình trạng bệnh COVID-19 leo thang nhanh chóng, thì các nước còn lại ở khu vực này lại thể hiện những nỗ lực tuyệt vời trong việc kiềm chế và ứng phó với dịch bệnh.

Trong vòng 24h qua, sáu nước gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Brunei, Campuchia và Timo Leste chỉ ghi nhận thêm có 2 ca nhiễm bệnh mới. Tại các nước này, tới hết ngày 5/4, cũng mới chỉ có 2 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.

TTXVN