Đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là bước tiến trong phục vụ của ngành y tế, giúp người dân không phải xếp hàng chờ thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức và nhân lực cho bệnh viện. Hiện nay, có hơn 30 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không sử dụng tiền mặt.

Hiệu quả thấy rõ

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc thanh toán viện phí bằng tiền mặt ở một số bệnh viện chính là khâu tạo ra nhiều bức xúc nhất đối với người bệnh. Lý do vì các điểm thanh toán viện phí thường quá tải, khiến người dân mất đến 3-4 lượt xếp hàng chờ thanh toán tiền khám bệnh, làm các chỉ định lâm sàng, nộp tiền nhập viện, nộp viện phí… gây tâm lý ức chế, khó chịu. Bản thân các bệnh viện cũng phải bố trí số đông cán bộ chỉ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí.

Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, hành chính công hướng tới sự hài lòng của người dân trong khám, chữa bệnh. Đã có hơn 30 bệnh viện trong cả nước thực hiện các giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh. Ở các bệnh viện này, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí, đến bệnh viện khám bệnh không cần phải mang theo tiền mặt. Tỷ lệ bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm 35% tổng số giao dịch thanh toán viện phí của bệnh viện.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xem người dân đăng ký thanh toán viện phí qua thẻ. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, việc áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao như mong muốn. Cả nước có gần 14.000 bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng tài khoản ngân hàng song tỷ lệ bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt còn khá thấp. Nguyên do người dân đến khám, chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, đa phần là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán. “Khó khăn này chỉ là tạm thời, nếu các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở chăm sóc sức khỏe quyết tâm, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng thì tình hình sẽ được cải thiện nhanh. Bởi các ngân hàng cũng biết đây là thị trường tiềm năng, thiết thực để xã hội văn minh hơn, thể hiện sự tiện ích của các ứng dụng điện tử của các dịch vụ ngân hàng", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Cần đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ người bệnh 

PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, việc triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh thông thường của đơn vị. Để bảo đảm sự tác động đó không gây ảnh hưởng bất lợi thì cơ sở khám, chữa bệnh phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa, phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông, như: Xây dựng tài liệu hướng dẫn thanh toán viện phí tại bệnh viện, phát tờ rơi hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, đăng tải tài liệu lên website bệnh viện... Bên cạnh đó, bệnh viện cần phải bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

QĐND