Bản tin Covid-19 ngày 23-2: Quân nhân sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong quý II-2021

Ngày 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 cuộc họp trực tuyến về PCD Covid-19. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh nỗ lực của tỉnh Hải Dương và lực lượng chi viện của Bộ Y tế, cùng với cả nước thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần “khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất”. Đến nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt trên cả nước. 


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: suckhoedoisong.vn 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những nước chống dịch hiệu quả nhất. Vì vậy chúng ta phải kiên trì nguyên tắc, chiến lược chống dịch từ những ngày đầu. Trong từng thời kỳ chống dịch, chiến thuật thay đổi linh hoạt nhưng chiến lược 5 bước “Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng dập dịch-Điều trị hiệu quả” không thay đổi, đặc biệt công tác phát hiện, truy vết, đến nay thêm công tác sàng lọc cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm.

Qua phân tích dữ liệu ở ổ dịch Hải Dương, Phó thủ tướng nêu rõ, chỉ phát hiện 3 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, không nằm trong các khu vực phong tỏa hay khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, cả 3 ca này đều đã được truy vết, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong quá trình PCD tại Hải Dương, Phó thủ tướng nêu rõ, sau khi “điểm đúng” ổ dịch ở TP Chí Linh, phát hiện ra biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, Hải Dương đã đề ra và dần hoàn thiện chiến lược “phong tỏa trong phong tỏa”. Quá trình xử lý tình huống dịch xuất hiện trong khu công nghiệp, các nhà máy lớn có hàng nghìn công nhân phải được cách ly kịp thời. Đặc biệt, trong vòng 24 giờ, Hải Dương đã kịp thời cách ly cho hàng nghìn người. Cùng với đó, quy trình phân loại, sàng lọc đối tượng để tầm soát diện rộng cũng được xây dựng, hoàn thiện. Số liệu cho thấy, ổ dịch ở thành phố Chí Linh được cơ bản kiểm soát sau 8 ngày phát hiện. Đến ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng, huyện Kim Thành, Hải Dương đã có những giải pháp quyết liệt, linh hoạt. Thực tiễn PCD ở Hải Dương là bài học quý cho các địa phương khác trên cả nước.

Phó thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm, truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn để Hải Dương làm mẫu cho cả nước trong việc chỉ đạo cụ thể việc xét nghiệm Covid-19 bắt buộc cho công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp; tránh tình trạng lãng phí. Đồng thời, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc xét nghiệm tầm soát linh hoạt, hiệu quả, tiết kiệm tại những điểm nguy cơ cao, nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ… việc xét nghiệm tầm soát phải hết sức linh hoạt. 

Phó thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hải Dương khuyến khích người dân không ở trong vùng dịch đeo khẩu trang vải; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp khai báo không trung thực về dịch bệnh, thậm chí những người sống cùng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Liên quan đến vấn đề vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022, tại cuộc họp, quan điểm được thống nhất đưa ra là Việt Nam đang rất cố gắng, khẩn trương để sớm có vaccine ngừa Covid-19 nhưng lượng thuốc không có đủ ngay một lúc nên phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên. Nguyên tắc là vaccine ngừa Covid-19 sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, tiến tới việc người dân sẽ được tiêm miễn phí như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó có phần nhỏ vaccine dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.

Theo các chuyên gia, vaccine Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam, đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định chất lượng, khi về đến Việt Nam vaccine có thể tiêm được ngay.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định, Chính phủ cũng đang chỉ đạo để triển khai vaccine sản xuất trong nước, sẽ rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo các khâu an toàn và hiệu quả trong sản xuất, phát triển vaccine.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để sớm có vaccine Covid-19. Tuy nhiên, không thể có ngay một lúc số lượng vaccine để cung cấp đủ cho người dân; do vậy, vaccine phải được phân phối theo các đối tượng ưu tiên. Thời gian tới, vaccine Covid-19 cả nguồn từ nước ngoài và sản xuất trong nước sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, cơ bản như chương trình vaccine mở rộng như vaccine Quinvaxem.

Quân nhân sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong quý II-2021

Bộ Y tế công bố 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Các nhóm đối tượng được sắp xếp mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ.


 

Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vaccine Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine này cung cấp hạn chế tại Việt Nam. Với số lượng 4.886.600 liều vaccine ngừa Covid-19 được COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam (25-35% trong quý I-2021 và 65-75% trong quý II-2021), sẽ được phân bổ cho các nhóm đối tượng như sau:

Trong quý I, dự kiến khoảng 1,2 triệu liều sẽ tiêm cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và khoảng 116.000 nhân viên tham gia PCD.

Trong quý II, COVAX sẽ cung ứng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Trong đó, dự kiến có khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, các quân nhân, 304.000 cán bộ, chiến sĩ công an, 550.000 giáo viên sẽ được tiêm vaccine.

Tới quý III, COVAX Facility sẽ hỗ trợ vaccine cho các quốc gia để tiêm chủng cho tối đa 20% dân số. Theo đó, trong quý III, Việt Nam sẽ có khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người được tiêm. Số lượng vaccine này sẽ dành cho khoảng 750.000 giáo viên, 7,6 triệu người trên 65 tuổi, 1,930 triệu người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch) và 7 triệu người mắc bệnh mạn tính trưởng thành.

Theo hướng dẫn này, vaccine sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Khu vực đang ghi nhận ca mắc/tử vong do Covid-19; khu vực đô thị lớn, mật độ dân số cao; các tỉnh đầu mối giao thông quan trọng.

Chương trình COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vaccine phòng Covid-19 toàn cầu) do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng lập để cung cấp vaccine Covid-19 cho 190 quốc gia.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc tiêm vaccine để bảo đảm miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vaccine hiện nay, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2022 cụ thể là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có đủ nguồn vaccine; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Nhiều đơn vị ngành y tế hiến máu cứu người giữa đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu. Trước tình hình đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã tích cực tham gia hiến máu cứu người - trong đó có những thầy thuốc áo trắng là những người ngày đêm trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh cũng chung tay chia sẻ những giọt máu nghĩa tình.

Cụ thể, từ ngày 23-2 đến 26-2, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện "Blouse trắng - Trái tim hồng" tại 5 cụm địa điểm với sự tham gia của 75 đơn vị trực thuộc ngành Y tế Thủ đô. Dự kiến thu gom khoảng 1.500 đơn vị máu. Căn cứ vào tình hình thực tế, trong tháng 8-2021, đợt 2 sẽ tiếp tục được triển khai với tinh thần 100% đơn vị toàn ngành tham gia.

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu. Trước Tết Nguyên đán đã có 30 đơn vị xin hoãn, hủy lịch tổ chức hiến máu với hơn 8.000 đơn vị máu dự kiến tiếp nhận. Sau kỳ nghỉ Tết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lại nhận thông tin hoãn thêm khoảng 24 lịch hiến máu từ nay đến hết tháng 3-2021 với dự kiến khoảng 5.000 đơn vị máu.

Trong khi đó, hiện nay nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm máu cho điều trị vẫn không hề giảm. Cụ thể, từ ngày 28-1 đến 17-2, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cung cấp cho các cơ sở y tế gần 15.000 đơn vị máu, gấp đôi số lượng máu cung cấp so với mọi năm. Mặc dù lượng máu cung cấp gần gấp đôi lượng máu tiếp nhận nhưng chỉ đáp ứng được 70-80% dự trù máu từ các bệnh viện. Nguy cơ thiếu máu vẫn tiếp diễn trong những ngày tới.

Trước thực tế trên, sáng 23-2, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, 19 đơn vị trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đầu tiên đã tham gia chương trình hiến máu tình nguyện "Blouse trắng - Trái tim hồng".

Ngoài các đợt hiến máu theo kế hoạch, ngành Y tế Hà Nội sẽ có những đợt hiến máu đột xuất nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong đợt dịch Covid-19 khó khăn như hiện nay.

Thêm 6 ca mắc Covid-19 mới tại Hải Dương và Quảng Ninh

Tối 23-2, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc Covid-19 mới tại Hải Dương và Quảng Ninh. Trong đó tỉnh Hải Dương 5 ca, Quảng Ninh một ca.

Cụ thể, bệnh nhân 2.396-2.399 và 2.401 ghi nhận tại Hải Dương là các trường hợp F1, đều đã được cách ly tập trung trước đó. Hiện bệnh nhân 2.396-2.399 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; bệnh nhân 2.401 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1, Trung tâm Y tế TP Chí Linh.


 

Bệnh nhân 2.400, ghi nhận tại Quảng Ninh là trường hợp F1 liên quan đến các bệnh nhân 1.633 và bệnh nhân 1.655, bệnh nhân 1.656, bệnh nhân 2.093. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.

Như vậy tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.502 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 809 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 107.685 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 596 ca; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.628 ca; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 94.461 ca.

Hải Dương hoàn thành phương án xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Ngày 23-2, Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh Hải Dương đã có cuộc họp với các huyện, thị thành phố trên địa bàn tỉnh để xác định bước đi tiếp theo cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong 8 ngày tới.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh đã xác định việc xét nghiệm cần làm theo trật tự nguy cơ cao trước, nguy cơ thấp sau. Toàn tỉnh chia làm 5 nhóm cần xét nghiệm bao gồm: Nhóm có nguy cơ cao (Kim Thành, Cẩm Giàng, Chí Linh, TP Hải Dương), nhóm các địa phương có nguy cơ (Kinh Môn, Nam Sách, Bình Giang), nhóm có nguy cơ thấp (Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện) và nhóm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã nối cầu với cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19 do Phó thủ tướng Võ Đức Đam chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã báo cáo sơ qua về tình hình dịch trên địa bàn, số lượng F0 giảm, các điểm nóng như Chí Linh, Cẩm Giàng đã hoàn toàn làm chủ được tình hình. Hải Dương hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho PCD với công suất xét nghiệm lên tới 80.000 mẫu, tối đa có thể lên 120.000 mẫu gộp/ngày.

Liên quan tới ổ dịch Kim Liên (xã Kim Thành), tỉnh quyết tâm rất cao, trực tiếp chỉ đạo khoanh vùng và dùng biện pháp mạnh mẽ nhất để phong tỏa hẹp, xét nghiệm diện rộng và giãn cách.

Sau khi nghe tỉnh Hải Dương báo cáo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao hoạt động nỗ lực của Hải Dương, năng lực kinh nghiệm điều hành, khả năng xét nghiệm của tỉnh đã tăng lên đáng kể. “Giãn cách trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn kéo dài một tuần nữa và đây là khoảng thời gian quý báu để Hải Dương thực hiện những biện pháp tăng cường mạnh mẽ hơn ở những vùng phong tỏa nhằm giảm bớt ca nhiễm Covid-19, đem lại cuộc sống bình thường mới cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Hải Dương tính toán cụ thể, khoa học trong việc triển khai xét nghiệm diện rộng cho công nhân các khu công nghiệp; xây dựng cỡ mẫu phù hợp, với đối tượng phù hợp, tập trung vào những nhóm, khu vực nguy cơ cao (bến xe, người buôn bán,…) để triển khai xét nghiệm tầm soát, bảo đảm vừa hiệu quả trong chống dịch, vừa hiệu quả về kinh tế.

TP Hồ Chí Minh gỡ bỏ điểm phong tỏa cuối cùng

Ngày 23-2, ngay sau khi nhận được kết quả 31 người dân tại tầng 15, chung cư Carillon (số 1 đường Trần Văn Danh, Phường 13, quận Tân Bình) đều âm tính với virus SARS-CoV-2, lực lượng chức năng đã chính thức gỡ bỏ phong tỏa đối với địa điểm này. Đây là địa điểm cuối cùng trong 35 điểm phong tỏa do dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh được gỡ bỏ.

Trước đó, ngày 9-2, chung cư Carillon là nơi sinh sống của ca bệnh 2.065 (43 tuổi, nhân viên giám sát hàng hóa của Vietnam Airlines) được lệnh phong tỏa. Ca bệnh này sống ở tầng 15 của chung cư. Toàn chung cư có 369 căn hộ với khoảng 400 người, trong đó có 3 F1 sống cùng nhà với bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, 26 trường hợp F2 được lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, toàn bộ cư dân chung cư cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Đến ngày 14-2, toàn bộ F1, F2 và cư dân chung cư đều có kết quả xét nghiệm âm tính, do đó chỉ còn các hộ dân thuộc tầng 15 phải tiếp tục phong tỏa, cách ly đủ 14 ngày. Đến ngày 23-2, sau khi hết 14 ngày cách ly, cùng với kết quả xét nghiệm cuối cùng của 31 người tầng 15 âm tính thì lệnh phong tỏa cũng được gỡ bỏ.

Như vậy, đây là điểm cuối cùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được gỡ bỏ phong tỏa do dịch Covid-19.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 23-2, Thành phố đã có 12 ngày không phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Có 210 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại Thành phố, trong đó 190 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 20 trường hợp đang điều trị.

QĐND