Xung đột Ukraine tách thành hai đấu trường: trên không và trên bộ

Cuộc xung đột giờ đây được tách ra thành hai đấu trường: các trận chiến trên bầu trời, trong đó Nga sử dụng tên lửa hành trình và máy bay không người lái để phá hủy cơ sở hạ tầng; và các trận chiến trên bộ, nơi Ukraine tiếp tục tiến công ở hai chiến tuyến miền Đông và Nam.


Binh sĩ Ukraine trong một chốt gác ở tiền tuyến gần Novolugansk, vùng Donetsk.

Trong tuần qua, quân đội Nga đã nã loạt tên lửa dữ dội nhất vào Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột hồi tháng 2, phá hủy lưới điện trên khắp đất nước và áp đảo hệ thống phòng không. Nhưng có một điều mà tên lửa không làm được là thay đổi tiến trình của cuộc chiến trên bộ.

Theo tờ New York Times, giao tranh chủ yếu trong các chiến hào, với những cuộc đấu súng ác liệt nhất hiện nay diễn ra ở một khu vực đồi núi trập trùng và những rừng thông ở miền Đông cũng như trên vùng đồng bằng trống trải ở miền Nam. Những trận giao chiến này là nơi quyết định quyền kiểm soát lãnh thổ, và là nơi quân đội Ukraine tiếp tục giành lại thêm các làng mạc, bất chấp đợt không kích dữ dội.

Volodymyr Ariev, thành viên Quốc hội thuộc đảng Đoàn kết châu Âu của Ukraine, cho biết: “Họ sử dụng tên lửa đắt tiền của mình để làm gì, chỉ để làm mọi người sợ hãi. Họ nghĩ rằng họ có thể khiến người Ukraine sợ hãi. Nhưng mục tiêu mà họ đạt được chỉ khiến chúng tôi tức giận hơn mà thôi”.

Cuộc chiến ở miền Đông và Nam Ukraine tiếp tục diễn ra, với việc Nga lùi bước chậm hơn và tấn công trên một phần mặt trận ở khu vực Donbas, miền đông.

Vào đầu tuần này, trong những ngày căng thẳng nhất của các cuộc tấn công tên lửa, Quân đội Ukraine tiếp tục cuộc tấn công ở khu vực Kherson thuộc miền Nam, giành lại năm ngôi làng trong hai ngày - theo bộ chỉ huy quân sự Ukraine. Lực lượng Kiev cũng đã chiếm lại một ngôi làng ở chiến tuyến miền Đông.

Cuộc xung đột giờ đây được tách ra thành hai đấu trường phần lớn không kết nối: các trận chiến trên bầu trời, trong đó Nga đang tìm cách làm mất tinh thần Ukraine và làm tê liệt nền kinh tế bằng cách sử dụng tên lửa hành trình và máy bay không người lái để phá hủy cơ sở hạ tầng sưởi ấm, điện và nước khi mùa đông đang tới; và các trận chiến trên bộ, trong đó Ukraine tiếp tục tiến công chống lại các lực lượng Nga ở hai khu vực chiến tuyến.


Xe cộ bị cháy rụi trong cuộc không kích hôm 10/10 của Nga vào Kiev. Ảnh: AP

Ukraine cáo buộc Nga đang sử dụng sự bổ sung mới nhất cho kho vũ khí của mình, máy bay không người lái Shahed-136 tấn công liều chết mua từ Iran, chủ yếu cho các cuộc tấn công chiến lược ở xa chiến tuyến, thay vì nỗ lực làm chậm các cuộc phản công của Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh viết: “Những chiếc Shahed-136 sẽ không tạo ra hiệu ứng bất đối xứng vì chúng không được sử dụng để tấn công các khu vực có ý nghĩa quân sự quan trọng theo cách ảnh hưởng trực tiếp đến tiền tuyến”.

Thay vào đó, các máy bay không người lái đã vượt qua các hệ thống phòng không để tiếp cận các thành phố, làm nổ tung các trạm phát điện và nồi hơi được sử dụng để sưởi ấm cho các khu dân cư Ukraine.

Tờ NYT dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết ngày 15/10, “trong 24 giờ qua, quân đội và không quân Nga đã tấn công khắp đất nước bằng tên lửa, rocket và máy bay không người lái tự sát, từ khu vực xung quanh thủ đô Kiev đến Mykolaiv ở phía nam, gần Biển Đen”.

Các cuộc tấn công đã thu hút trở lại sự chú ý của người Ukraine đến cuộc chiến ở các thành phố, nơi cảm giác bình thường đã trở lại trong những tháng gần đây.

Theo NYT, Quân đội Ukraine cũng chịu nhiều tổn thất về thiết bị và sinh mạng khi lực lượng Nga liên tục giao tranh và bắn pháo để yểm trợ rút lui hoặc tiếp tục các cuộc tấn công ở Donbas. Bộ chỉ huy quân sự Ukraine cho biết trong một tuyên bố vào buổi sáng 15/10 rằng đã diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt trên toàn mặt trận và các cuộc giao tranh xuyên biên giới với Nga ở miền bắc Ukraine từ đêm 13 đến 14/10.


Nhà cửa ở vùng tiền tuyến Donbass bị hư hại do pháo kích. Ảnh: PRESSCOV

Theo các chuyên gia quân sự, Nga đang buộc Kiev phải giảm đà phản công tại các khu vực miền Đông. Ông Igor Girkin, cựu sĩ quan tình báo Nga, nhận định rằng chiến thuật trút mưa tên lửa tập kích hạ tầng trọng yếu có thể tác động phần nào đến tình hình chiến trường Ukraine trong thời gian tới.

Chiến thuật này có thể buộc quân đội Ukraine dành nhiều nguồn lực phòng không hơn cho hậu phương, kéo giảm đà tiến công của các mũi phản kích chủ lực ở miền đông và miền nam.

Đồng quan điểm, ông Keir Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên, cuộc chiến đang chuyển sang một giai đoạn mới. Giai đoạn này có thể là một cuộc chiến giai đoạn thứ ba, thứ tư, thậm chí là thứ năm mà chúng ta đang được quan sát".

Hôm 14/10, Tổng thống Biden đã phản ứng trước đợt bắn phá mới nhất vào các trung tâm dân sự ở Ukraine bằng cách công bố viện trợ cho Kiev thêm 725 triệu USD vũ khí và thiết bị quân sự, nâng tổng số hỗ trợ an ninh của Mỹ cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky lên 17,6 tỷ USD kể từ khi xung đột bắt đầu.

Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố rằng gói này sẽ bao gồm các loại vũ khí và phương tiện quân sự. Bộ Ngoại giao Mỹ bổ sung rằng nó cũng sẽ bao gồm huấn luyện và đào tạo quân sự.

Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, gói viện trợ mới sẽ không bao gồm nhiều khả năng mới để phòng thủ trước các cuộc tấn công từ trên không của Nga, mặc dù điều đó có thể sẽ sớm xảy ra.

Thay vào đó, khoản viện trợ sẽ chủ yếu hướng đến việc dự trữ đạn dược cho các hệ thống vũ khí mà quân đội Ukraine đang sử dụng thành công ở cuộc phản công của họ, chẳng hạn như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS).

Các quan chức phương Tây đang chịu áp lực phải đẩy nhanh tiến độ chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraine sau khi Moskva mở đợt không kích ồ ạt các thành phố trên khắp đất nước trong tuần này.

Gói viện trợ mới được đưa ra sau cuộc họp cấp cao NATO ở Brussels, nơi các quan chức Mỹ và châu Âu cam kết cung cấp thêm vũ khí và hệ thống phòng thủ cho Ukraine.

Tại các cuộc họp đó, Ukraine cho biết Đức đã chuyển giao một hệ thống tên lửa phòng không mới đến mức nó chưa từng được sử dụng trong chiến trận và ngay cả quân đội Đức cũng chưa triển khai hệ thống này. Pháp và Hà Lan cũng cho biết họ vẫn sẽ cung cấp các loại vũ khí khác.

Theo TTXVN