Vụ khủng bố 11/9: Mục tiêu của chuyến bay 93 và sứ mệnh cảm tử của phi công Mỹ

Trong bốn chiếc máy bay Mỹ bị khủng bố cướp ngày 11/9/2001, có một chuyến bay chưa kịp lao vào mục tiêu tấn công thì đã bị rơi: chuyến bay số 93.


Một chiếc máy bay tương tự máy bay số hiệu 93 trong vụ khủng bố ngày 11/9. Ảnh: Alamy

Sáng 11/9/2001, 46 phút sau khi chuyến bay 93 của hãng hàng không Mỹ United Airlines cất cánh từ Newark (bang New Jersey) tới San Francisco, bốn kẻ cướp máy bay đã giành quyền kiểm soát chiếc Boeing 757-222. Lúc đó là 9 giờ 30 sáng. Cũng sáng đó, hai máy bay bị cướp đã gây sốc toàn thế giới khi lao vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York. Chưa đầy 10 phút sau, một máy bay nữa lao vào Lầu Năm Góc ở Washington DC.

Còn chuyến bay số 93 thì sao? Mục tiêu của khủng bố là gì? Điều chắc chắn là lúc 9 giờ 55, một trong những kẻ cướp máy bay là Ziad Jarrah, một phi công được đào đạo, đã cài đặt lại chế độ tự lái của máy bay, cho nó quay đầu về phía đông, hướng tới Washington. 


Điều tra viên tại khu vực chuyến bay 93 lao xuống gần Shanksville. Ảnh: AFP

Khi được người thân thông báo về chuyện đã xảy ra với ba chiếc máy bay kia, một số hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay 93 đã tìm cách xông vào buồng lái mà bọn khủng bố đang chiếm. Lúc 10 giờ 3 phút, sau một hồi vật lộn, máy bay đã lao xuống cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania, khiến 44 người trên máy bay thiệt mạng. Khi máy bay lao xuống đất, nó đã bay được 20 phút từ Washington.

Chuyến bay 93 nói trên là chuyến bay duy nhất không tới được mục tiêu đã định. Trong nghiên cứu toàn diện nhất về các vụ tấn công khủng bố, Báo cáo Ủy ban 11/9 kết luận rằng mục tiêu của máy bay là Washington, nơi mà cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đang họp tại Đồi Capitol. Báo cáo cho biết: “Mục tiêu của Jarrah là lao máy bay vào các biểu tượng của Mỹ, đồi Capitol hoặc Nhà Trắng. Hắn đã bị những hành khách không vũ khí trên chuyến bay 93 đánh bại sau khi họ nghe tin cảnh báo”.

Dù báo cáo khẳng định như trên nhưng mục tiêu của chuyến bay 93 vẫn là ẩn số. Các tuyên bố của những kẻ cùng thực hiện âm mưu vụ 11/9 sau đó đã cung cấp những manh mối thuyết phục nhất.

Al-Qaeda bất đồng về mục tiêu

Đầu năm 1999, theo báo cáo vụ 11/9, Khalid Sheikh Mohammed, một chủ mưu của al-Qaeda trong vụ khủng bố, được Osama bin Laden đồng ý cho dùng máy bay làm vũ khí tấn công Mỹ. Al-Qaeda đã đưa Mỹ vào danh sách mục tiêu năm 1998.

Tại một cuộc họp ở Kandahar, Afghanistan mùa xuân năm 1999, Sheik Mohammed gặp Osama bin Laden và Mohammed Atef, một thủ lĩnh khác của al-Qaeda, để lên danh sách các mục tiêu ở Mỹ, gồm Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Đồi Capitol và Trung tâm Thương mại Thế giới. Những khu vực này là địa điểm quan trọng nhất Mỹ, là biểu tượng chính trị, quân sự và tài chính của Mỹ mà al-Qaeda muốn tấn công.


Bốn tên khủng bố cướp chuyến bay 93. Ảnh: Getty Images

Năm 2003, Sheikh Mohammed bị bắt trong một vụ đột kích ở Pakistan. Trong khi đặc vụ Mỹ thẩm vấn hắn, hắn nói mặc dù Osama bin Laden muốn phá Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, nhưng các đồng bọn lại muốn lao vào Đồi Capitol. Mohammed khai: “Mọi người đều thống nhất là Đồi Capitol…trong khi Osanam bin Laden thích Lầu Năm Góc và Nhà Trắng”.

Tình báo Mỹ cho rằng Ramzi bin al-Shibh, tòng phạm người Yemen trong vụ tấn công, là tên khủng bố cướp máy bay thứ 20, nhưng hắn không được cấp thị thực để vào Mỹ. Chuyến bay 93 chỉ có 4 tên khủng bố, còn những chuyến bay kia đều có 5 người.


Nếu không nhờ hành khách và phi hành đoàn, chuyến bay 93 có thể lao vào Đồi Capitol hoặc Nhà Trắng ở Washington DC. Ảnh minh họa máy bay trên bầu trời thủ đô Mỹ nhìn từ buồng lái: Washingtonpost

Sau khi bị bắt năm 2002, Ramzi bin al-Shibh đã cung cấp cho các thẩm vấn viên thông tin về âm mưu khủng bố có tổ chức này, hé lộ cả suy nghĩ của tên Mohamed Atta, thủ lĩnh nhóm thực hiện âm mưu người Ai Cập lao chuyến bay số 11 của American Airlines vào tòa tháp bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới.

Theo đó, mỗi tên khủng bố được giao một địa điểm để lao máy bay vào. Theo Ramzi bin al-Shibh, Jarrah được giao lao vào tòa nhà quốc hội Mỹ ở Washington. Atta nói với Ramzi bin al-Shibh rằng nếu các phi công không thể tới địa điểm đã định, chúng cần cho máy bay rơi xuống đất.

Trước khi chúng bị bắt, Sheikh Mohammed và Ramzi bin al-Shibh nói với phóng viên Al Jazeera rằng chuyến bay 93 đang hướng tới Đồi Capitol thì bị hành khách tìm cách chiếm máy bay.

Lúc 10 giờ 15 sáng 11/9/2001, các quan chức đã lệnh sơ tán Đồi Capitol. Lúc đó, 4 máy bay bị cướp đều đã rơi, trong đó 3 chiếc lao trúng mục tiêu.

Mệnh lệnh cảm tử chặn chuyến bay 93


Heather Penney. Ảnh: Military Times

Ngày 11/9/2001 dự kiến là một ngày bình thường của Trung úy Heather Penney thuộc Vệ binh Quốc gia Không quân Washington DC. Sáng đó, lúc 8 giờ 45, ai đó ghé vào phòng và thông báo có máy bay lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Vài phút sau, lại có người báo tin máy bay thứ hai lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới tiếp. Đã rõ ràng, Mỹ đang bị tấn công. Penney và mọi người lao ra xem TV, chứng kiến hai tòa tháp bốc cháy.

Bối rối bao trùm phòng họp, chỉ huy của Penney là Đại tá Marc “Sass” Sasseville, nhìn thẳng vào mắt cô và nói: “Cô đi với tôi”. Họ vội ra khu vực chuẩn bị bay, mặc bộ đồ lái máy bay vào. Không còn thời gian trang bị vũ khí cho chiếc F-16 vì thế họ sẽ thực hiện sứ mệnh mà không có vũ khí, chỉ có lòng dũng cảm.

Sứ mệnh của họ là gì? Họ sẽ đi đâu? Tìm cái gì? Không có mệnh lệnh rõ ràng. Khi hai người vội ra máy bay, Lầu Năm Góc bị chuyến bay 77 lao vào. Thông tin cho rằng chiếc máy bay thứ tư là chuyến bay 93 đang ở trên trời. Bộ tư lệnh Không quân cho rằng nó đang tới thủ đô.

Hai máy bay nhanh chóng cất cánh, hướng tới phía tây bắc – vị trí gần nhất của chuyến bay 93. Họ có nhiệm vụ thực hiện sứ mệnh cảm tử, lao vào chuyến bay 93, chiếc Boeing 757 nặng gấp 7 lần máy bay F-16. Họ đã nhất trí kế hoạch tấn công. Sasseville sẽ lao vào buồng lái chiếc Boeing, còn Penney nhằm vào đuôi máy bay. Khi họ bay trên trời, họ có thể nhìn thấy khói bốc lên từ Lầu Năm Góc.


Ảnh vẽ minh họa chiếc F-16 mà Penney lái bay trên bầu trời, phía dưới là Lầu Năm Góc bốc cháy. Ảnh: Getty Images

Trong 90 phút sau đó, Penney và Sasseville bay hết tốc lực trên không phận thủ đô để tìm chiếc máy bay thứ tư. Nhưng họ không bao giờ thấy nó. Nửa tiếng sau, họ hay tin máy bay đã lao xuống cánh đồng ở Pennsylvania. Những hành khách anh hùng trên máy bay đã ngăn khủng bố thực hiện vụ tấn công.

Giờ sứ mệnh của họ chuyển từ tấn công cảm tử sang bảo vệ không phận. Giới chức hàng không Mỹ đã lệnh cấm toàn quốc máy bay dân sự cất cánh, bất kể điểm đến. Khi hỗ trợ kiểm soát không lưu dân sự, Penney và Sasseville bắt đầu điều hướng các máy bay tránh xa khu vực thủ đô và lệnh cho họ hạ cánh nhanh nhất có thể.

Penney và các phi công khác được lệnh bảo vệ Tổng thống Mỹ George W. Bush khi ông bay về từ Florida. Khi nghe tin vụ tấn công, ông được hộ tống lên Không lực Một và đưa tới nơi an toàn nhất lúc bấy giờ: bầu trời.

Máy bay của Penney và những người khác tuần tra quanh thủ đô, trang bị đạn thật. Họ có quyền bắn tự do nếu xác định máy bay dân sự nào là mối đe dọa mà không cần chờ lệnh. Vài giờ sau vụ tấn công ban đầu, người ta vẫn không rõ còn vụ nào sắp xảy ra không.

Theo Baotintuc