Toàn thế giới đã vượt mốc 220 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 3/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 220.161.753 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.560.767 ca tử vong.


Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 196.830,150 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 662.890 ca tử vong trong tổng số trên40.518.659 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 439.916 ca tử vong trong số trên 32.903.289 ca. Brazil đứng thứ 3 với 582.004 ca tử vong trong số trên 20.830.712 ca.

Tình hình dịch tại Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 146 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Lào cho biết trong số các ca nhiễm mới có 65 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 81 ca cộng đồng. Trường hợp tử vong thứ 15 tại Lào là một người đàn ông 45 tuổi trở về từ Thái Lan bị mắc bệnh béo phì, được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã tử vong. Như vậy, các ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh đang có xu hướng giảm, trong khi các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng ở nhiều tỉnh vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới. Đặc biệt, Xaysomboun là tỉnh cuối cùng của Lào ghi nhận ca mắc COVID-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ ngày 31/8, nhà chức trách thủ đô Viêng Chăn đã tiến hành tuần tra ban đêm để đảm bảo các quán karaoke, địa điểm giải trí, địa điểm du lịch, chợ đêm, khu ẩm thực, rạp phim, snooker, massage, spa, quán trang điểm và cà phê Internet đóng cửa theo qui định. Những người vi phạm quy định phòng dịch sẽ bị đưa đến trung tâm cách ly và chịu toàn bộ chi phí phát sinh, đồng thời việc ra/vào vùng đỏ tiếp tục được giám sát chặt chẽ. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giáo dục và thể thao Lào quyết định tổ chức khai giảng năm học mới trên cả nước theo hình thức trực tuyến vào sáng 6/9. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 15.605 ca, trong đó có 15 người tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia đã ban hành hướng dẫn về thí điểm khai thác khách sạn ở Phnom Penh và Siem Reap để cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị COVID-19 với chi phí thấp cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Bộ Y tế đề nghị các khách sạn đăng ký phải có kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và có đủ nhân lực để phối hợp với các bác sĩ trong điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ. Hiện đã có khách sạn tư nhân Kravan trên địa bàn thành phố nhận được giấy phép điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, nhân viên khách sạn chưa tiết lộ chi phí cho một ca điều trị là bao nhiêu.

Cùng ngày, Bộ Thanh niên, Giáo dục và Thể thao Campuchia cũng đã đề ra thời hạn 2 tuần để tập hợp báo cáo chi tiết từ các tỉnh/thành trên cả nước về số lượng trường học trên địa bàn có thể được mở cửa trở lại một cách an toàn trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 đã được kiềm chế ở mức tương đối thấp tại mỗi địa phương. Trước đó, ngày 31/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Thanh niên, Giáo dục và Thể thao Campuchia Hang Chuon Naron chuẩn bị mở cửa lại các trường học đã tương đối an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.


 Kiểm tra thân nhiệt để phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Trung tâm xử lý dịch bệnh COVID-19 (CCSA) của Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận 14.653 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca lây nhiễm mới ở dưới mốc 15.000 ca. Thái Lan cũng ghi nhận 271 ca tử vong. Như vậy, kể từ khi dịch bùng phát, tổng số ca bệnh tại Thái Lan là 1.249.140 ca, trong đó có 12.374 ca tử vong. Đáng chú ý, trong số ca mắc mới, Bangkok ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 3.428 ca, tiếp theo là vùng phụ cận với 1.237 ca. CCSA cảnh báo diễn biến dịch tại thủ đô và các tỉnh có nguy cơ cao vẫn đang phức tạp. Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ giám sát tình hình dịch trong những tuần tới và sẽ nới lỏng một số biện pháp kiểm soát trong trường hợp diễn biến dịch khả quan hơn. Trong khi đó, đảo du lịch Phuket của nước này sẽ tiếp đón những du khách đã tiêm đủ liều vaccine kể từ ngày 8/9 tới. 

Tại Malaysia, đảo Lagkawi sẽ trở thành điểm du lịch đầu tiên của nước này mở cửa trở lại đón khách du lịch nội địa nhằm thúc đẩy các nỗ lực giúp hồi sinh ngành du lịch sau thời gian dài "đóng băng" vì đại dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 16/9, các khách sạn và những cơ sở giải trí như công viên chủ đề sẽ được mở cửa trở lại, các hoạt động trên bãi biển cũng được phép nối lại. Hiện giới chức Malaysia vẫn đang nghiên cứu và xây dựng các quy định cụ thể với những du khách được phép đến Langkawi.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao trong Chính phủ Singapore cho biết quốc gia này sẽ tạm hoãn các bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giới chức Singapore đang theo dõi xu hướng gia tăng số ca mắc mới trong thời gian gần đây. Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, Singapore đã có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng khá an toàn để bảo vệ người dân và quốc gia này cũng đang dần thích ứng với điều kiện "bình thường mới", sống chung với COVID-19. Hiện giới chức đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh nhưng nhận thấy chưa cần phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Theo bà Wong, việc áp dụng trở lại các biện pháp này sẽ là lựa chọn cuối cùng với mục đích ngăn chặn nguy cơ quá tải ở các  bệnh viện.

Liên quan đến biến thể C.1.2 mới được xác định gần đây tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 3/9 dẫn báo cáo của các nhà khoa học cho biết trong giai đoạn hiện nay, biến thể này “không phải một nguy cơ”. Biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5 và đến nay đã lây lan ra tất cả 9 tỉnh của Nam Phi, được cho là biến thể có nhiều đột biến nhất so với các biến thể từ trước đến nay. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/9, Bộ trưởng Phaala cho biết: “Ở giai đoạn hiện nay, các nhà khoa học xác nhận rằng biến thể C.1.2 không phải một nguy cơ và đang tiếp tục theo dõi”. Theo ông, tỷ lệ số ca bệnh được ghi nhận nhiễm biến thể này tương đối thấp. Ông cũng cho rằng gần như chắc chắn là Nam Phi sẽ đối mặt với đợt bùng phát thứ tư vào cuối năm nay. Trong tuần vừa qua, WHO đã đưa biến thể C.1.2 vào nhóm cần theo dõi thêm, tức là những biến thể có thể có nguy cơ trong tương lai nhưng các bằng chứng hiện tại vẫn chưa rõ ràng.         


 Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Về vấn đề vaccine, Ủy ban châu Âu (EC) và hãng dược AstraZeneca cho biết đã đạt thỏa thuận về việc phân phối lượng vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong hợp đồng, kết thúc vụ kiện tại Brussels về vấn đề này. Theo thỏa thuận này, AstraZeneca cam kết bàn giao cho Liên minh châu Âu (EU) 60 triệu liều vaccine trước cuối Quý III/2021, 75 triệu liều vào cuối Quý IV/2021 và 65 triệu liều trước cuối Quý I/2022. Cơ quan điều hành EU cho biết, theo thỏa thuận mới, các nước thành viên EU sẽ được cung cấp lịch trình bàn giao định kỳ, và có thể giảm giá mua trong trường hợp AstraZeneca chậm bàn giao.

Với tư cách nước chủ nhà của Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Anh đã bắt đầu phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho đại biểu quốc tế, những người chưa được tiêm trong nước. Dự kiến, đợt tiêm mũi thứ nhất sẽ bắt đầu vào tuần tới. 

Cũng trong ngày 3/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer theo thỏa thuận hoán đổi với Anh, trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để sớm mở cửa trở lại. Thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi lượng vaccine của Pfizer mà Australia nhận được trong tháng này, với lô đầu tiên do Anh gửi sẽ tới nơi vào cuối tuần này. Ngoài với Anh, trong tuần này Australia còn ký thỏa thuận hoán đổi vaccine với Singapore. Theo cả hai thỏa thuận này, Australia sẽ gửi trả vaccine của Pfizer cho hai nước trên vào cuối năm, khi Canberra nhận được số vaccine đã đặt hàng.

Theo TTXVN