Tại sao Kazakhstan ổn định bậc nhất hậu Xô Viết lại chìm trong biểu tình bạo lực?

Các sự kiện ở Kazakhstan đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, tình hình thay đổi hàng giờ, biểu tình lan rộng trên nhiều thành phố.

Theo đài RT (Nga), ban đầu, có vẻ như các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng vọt sẽ không trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, Kazakhstan thời điểm này đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Binh sĩ nước này đã phải chống trả quyết liệt với những phần tử có vũ trang trên đường phố. Ít nhất 8 binh sĩ được cho là đã thiệt mạng khi đối mặt với người biểu tình.

 

 


Người biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu gây bạo loạn tại thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 5/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Kazakhstan luôn được coi là một trong những quốc gia hậu Xô Viết ổn định nhất. Quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống đầu tiên sang người kế nhiệm diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Tuy nhiên, những ngày qua, Kazakhstan có lẽ đang phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất trong 30 năm. 

Hình ảnh cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã lan rộng khắp thế giới. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn dường như chủ yếu là tự phát và không được kiểm soát. Có vẻ như chưa có thủ lĩnh nào đứng ra tổ chức các đám đông, cũng như chưa có đảng chính trị nào dẫn đầu phong trào biểu tình. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Kazakhstan không biết phải thương lượng với ai. Người biểu tình đang giành quyền kiểm soát nhiều tòa nhà công quyền của Kazakhstan và xông vào phá hủy các văn phòng của đảng chính trị cầm quyền ở Nur Otan và các kênh truyền hình quốc gia. 


Những người biểu tình quá khích tập trung bên ngoài toà nhà chính quyền thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 5/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 2/1 ở miền tây Kazakhstan khi giá cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao. Người dân Kazakhstan dùng LNG làm nhiên liệu chạy ô tô thay vì xăng. Trong khi đó, chính phủ từ chối tiếp tục trợ giá và nói rõ rằng từ nay trở đi, giá LNG sẽ chỉ do thị trường kiểm soát. Giá LNG đã tăng gấp đôi ngay lập tức - từ 0,14 đến 0,28 USD/lít. 

Chính phủ cho rằng không trợ giá sẽ giúp giá LNG cân bằng dựa trên cung và cầu cũng như thu hút thêm đầu tư cho sản xuất. Các nhà chức trách cho rằng mô hình cũ đã khiến các nhà sản xuất LNG liên tục thua lỗ.

Sau khi giá LNG tăng, các cuộc biểu tình bùng lên ở thành phố Zhanaozen và nhanh chóng lan sang phía tây và phía bắc. Người biểu tình đã chặn đường ở các khu vực trung tâm của Kazakhstan và yêu cầu giảm giá LNG xuống mức trước đó. 

Thời gian đầu, các cuộc biểu tình hầu hết diễn ra trong hòa bình, không có đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và 69 người đã bị cơ quan thực thi pháp luật giam giữ vào ngày 2 và 3/1.

Khi biểu tình tiếp tục diễn ra, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã chỉ thị chính phủ giải quyết vấn đề giá khí đốt tăng vọt. Ngay sau đó, một cuộc điều tra nhằm vào các chủ sở hữu trạm LNG ở Kazakhstan bùng phát. Chính phủ cam kết đưa ra một loạt biện pháp để điều chỉnh giá LNG. Theo yêu cầu của sắc lệnh trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, một số chủ trạm nhiên liệu đã quyết định giảm giá xuống còn 0,21 USD/lít.

Nhưng điều này không đủ để xoa dịu đám đông phản đối và họ đã dùng đến những hành động thậm chí còn cực đoan hơn. Vào tối 4/1, các cuộc đụng độ bạo lực với các nhân viên thực thi pháp luật đã bắt đầu ở nhiều thành phố của Kazakhstan, kéo dài suốt đêm. Cảnh sát đã sử dụng dùi cui, hơi cay và đạn cao su chống lại người biểu tình và người biểu tình đáp trả bằng cách đốt cháy ô tô và xe chuyên dụng.

Để xoa dịu người biểu tình, Tổng thống Tokayev đã đồng ý tuân thủ một trong những yêu cầu của họ và giải tán chính phủ. Sau đó, có tin đồn rằng các cuộc bầu cử quốc hội sớm sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, lần nhượng bộ thứ hai này lại không xoa dịu được phong trào biểu tình. 

Điều này có thể là do chính phủ mới không có sự khác biệt đáng kể so với chính phủ trước đó. Ông Alihan Smaiylov được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ mới. Trong nội các trước, ông giữ chức vụ phó thủ tướng thứ nhất.


Cảnh sát chống bạo động tuần tra trên đường phố Almaty nhằm ngăn những người biểu tình quá khích phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu, ngày 5/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tất cả các nhượng bộ chỉ khiến đám đông càng thêm tức giận. Vào ngày 5/1, họ tiếp tục tấn công và phóng hỏa các tòa nhà hành chính. Trong khi đó, cảnh sát không cố gắng giải tán người biểu tình. Một số thậm chí còn chuyển sang phe biểu tình.

Những cuộc biểu tình này khác hẳn với những cuộc biểu tình trước đây mà Kazakhstan từng chứng kiến. Phong trào quần chúng năm 2019 đã bị giải tán rất nhanh và bạo lực.

Chủ tịch Câu lạc bộ Phân tích Á-Âu Nikita Mendkovich ở Moskva (Nga) cho rằng lý do đằng sau những cuộc biểu tình hàng loạt này không chỉ là tình hình kinh tế khó khăn của đất nước. Ông nói: “Trong một hoặc hai năm qua, chúng tôi đã thấy chính phủ nỗ lực lấy lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhóm thân phương Tây bằng cách đưa ra các biện pháp chống Nga. Do vậy, giới tinh hoa cầm quyền đã chống lại nhóm dân số nói tiếng Nga của Kazakhstan, những người ủng hộ Nga và chiếm đa số ở Kazakhstan. Kết quả là đảng cầm quyền đã mất hơn một triệu phiếu bầu tại cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 1/2021. Nhưng phe đối lập theo chủ nghĩa dân tộc coi đây là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của đảng cầm quyền và tìm cách chấm dứt”.

Theo ông Mendkovich, hiện tại, đảng Dân chủ Lựa chọn Kazakhstan (DVK) và Oyan, Qazaqstan (OQ), là những nhóm đối lập thân phương Tây, đang tích cực cố gắng dẫn dắt các cuộc biểu tình và sử dụng chúng để thúc đẩy chương trình nghị sự. Đây chính là lý do tại sao việc chính phủ sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu kinh tế của người biểu tình, song chưa thể chấm dứt tình trạng bất ổn, mà ngược lại, dường như còn cực đoan hóa những người biểu tình và thúc đẩy họ đưa ra các yêu cầu hoàn toàn chính trị.

Nga đã tuyên bố công khai rằng họ coi những diễn biến hiện tại là công việc nội bộ của Kazakhstan và tin tưởng mạnh mẽ rằng chính phủ nước này có khả năng kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, trong trường hợp các cuộc biểu tình tiếp tục, Nga chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn đến quốc gia láng giềng.

Theo Baotintuc