Những hậu quả 'không lường trước' của cuộc xung đột Nga - Ukraine

Giá năng lượng và lương thực cao là kết quả "đã biết" của cuộc xung đột Nga - Ukraine trong khi những hậu quả tiếp theo sẽ dần bộc lộ theo thời gian.


Xung đột đã gây thiệt hại nặng nề không chỉ với các bên tham chiến mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Ảnh: Reuters

Theo nhận định mới đây của học giả, nhà báo chuyên về các vấn đề đối ngoại và ngoại giao quốc tế Tim Marshall trên tờ The National (thenationalnews.com, có trụ sở ở UAE), hầu hết những người trên 35 tuổi đều nhớ họ đã ở đâu khi lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh Tòa tháp đôi ở Mỹ sụp đổ vào ngày 11/9.

Hai thập kỷ trôi qua, chúng ta vẫn đang phải sống với những tác động của cuộc tấn công khủng bố đó và phản ứng của Mỹ. Rất ít người trong chúng ta sẽ có ký ức tương tự về ngày đầu tiên Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng những tác động từ sự kiện này có thể sẽ còn lan rộng khắp thế giới trong một thời gian dài.

Ông Marshall cho rằng chúng ta hiện đã thấy một số tác động trong số đó. Nga ban đầu đã bị bất ngờ trước phản ứng của các nước khác với dự kiến rằng phương Tây yếu kém và thiếu thiện chí để có hành động cứng rắn. Tuy nhiên, 3 năm sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng NATO đã "chết não", tổ chức này đã tìm lại được mục đích của mình.

Đức đã điều chỉnh mối quan hệ với Nga và nhận thấy tình trạng hạn chế của các lực lượng vũ trang nên cam kết đầu tư 100 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội của họ. Các nước vùng Baltic đang tăng cường phòng thủ trong khi Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO.

EU trở nên đoàn kết hơn về một số vấn đề so với vài năm trước mặc dù quyết tâm này sẽ được thử thách khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai. Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây dường như đã rạn nứt hoàn toàn.

Tổn thất về nhân mạng cũng rất lớn. Hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng, hàng nghìn dân thường Ukraine bị thương vong và 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hàng nghìn người Nga cũng rời khỏi đất nước, gây ra tình trạng chảy máu chất xám trong nền kinh tế mà phương Tây đang tìm cách cô lập.

Nga sẽ vẫn tồn tại khi các quốc gia châu Âu dần dần độc lập khỏi nguồn cung cấp năng lượng của họ nhưng điều đó sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào việc điều hướng lại các đường ống tới những nơi khác và sẽ khó tìm được sự trợ giúp về kỹ thuật và tài chính của phương Tây.

Xung đột cũng đã đẩy lạm phát ở nhiều quốc gia lên mức cao nhất trong thế kỷ này. Trong 5 tháng, Ukraine, vựa ngũ cốc của châu Âu, đã không thể xuất khẩu chúng qua các cảng của mình. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực ở Kenya, Ethiopia và Somalia, đồng thời làm tăng giá bánh mì ở Ai Cập, Libya và Tunisia - những nước vốn thường nhận được 80% ngũ cốc từ Ukraine. Giá cả hiện đang ở mức cao nhất trong 14 năm, làm tăng thêm sức ép đối với nền kinh tế Tunisia.

Đó là một số "hậu quả đã biết" của cuộc xung đột và chúng ta có thể dự báo về một số vấn đề sắp xảy ra. Với việc Nga quay sang tăng cường quan hệ với Iran và Triều Tiên, Mỹ và châu Âu có lẽ không còn tin tưởng vào việc Moskva sẽ giúp họ gây sức ép buộc Tehran quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) hoặc Bình Nhưỡng hạn chế các vụ phóng tên lửa. 

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị và kinh tế của nước này, nhưng vẫn chưa rõ hậu quả cuối cùng sẽ là gì. Nền kinh tế Nga đã chứng kiến sự suy giảm khoảng 4% GDP và có thể sẽ giảm sâu hơn nữa.

Doanh số bán vũ khí của Nga giảm 25%, sản xuất ô tô giảm 90% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10/2022. Với các bộ phận vi điện tử và vi mạch nằm trong danh sách hàng hóa bị trừng phạt, Moskva sẽ gặp khó khăn trong chế tạo vũ khí, ô tô hay máy bay mà họ muốn.

Xa hơn nữa là những “ẩn số chưa biết” và chiến tranh hay xung đột luôn gây ra những hậu quả khôn lường.

TTXVN