Liệu Nga có đối mặt với khủng hoảng kinh tế vì xung đột ở Ukraine

Nền kinh tế Nga đang bị cô lập do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Hợp tác nước ngoài sẽ bị hạn chế ở mức tối đa và do đó, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Nga rất có thể sẽ tăng lên.

Iwona Wiśniewska, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (OSW), từng là Trưởng phòng Kinh tế Đại sứ quán Ba Lan tại Nga mới đây nhận định rằng, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moskva đã phải chịu lệnh trừng phạt của khoảng 50 quốc gia, chiếm một nửa thương mại của Nga và có tầm quan trọng then chốt đối với sự ổn định thị trường vốn của nước này. Các biện pháp trừng phạt đã đánh vào nhiều ngành trong nền kinh tế Nga, đặc biệt là thị trường tài chính. Chúng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và hầu hết đều gây ra hậu quả tiêu cực ngay lập tức. 


Cuộc xung đột ở Ukraine đang khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Reuters

Theo bà Wiśniewska, trong nhiều năm, Nga đã chuẩn bị đối phó với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, như tăng cường tích trữ và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, khi quyết tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Điện Kremlin có thể đã đánh giá thấp quyết tâm của phương Tây và sự phụ thuộc của chính họ vào nguồn cung từ nước ngoài. Kết quả là, sau 3 tuần, sự ổn định tài chính của Nga đã lung lay, vì vậy thay vì dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 2%, Moskva sẽ phải đối mặt với suy thoái thậm chí vài phần trăm trong năm 2022.

Tuy nhiên, bất chấp cuộc khủng hoảng sâu sắc, nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ hoàn toàn. Đặc biệt, lĩnh vực nguyên vật liệu, vốn là nguồn thu nhập chính, được hưởng lợi từ giá cao, trong đó có dầu, khí đốt, than và kim loại, mặc dù phải giảm xuất khẩu. Hiện vẫn chưa thể ước tính quy mô thiệt hại từ cuộc khủng hoảng, nhưng Moskva có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài vài năm.

Kết quả là, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế sẽ tăng lên, hợp tác kinh tế với nước ngoài sẽ bị hạn chế, đặc biệt là với phương Tây, và vai trò của Trung Quốc tăng lên trong lĩnh vực này. Đồng thời, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng công nghệ của Nga sẽ tiếp tục diễn ra.

Các biện pháp trừng phạt hàng loạt nhằm vào Nga

Cú đánh chính mà phương Tây giáng vào nền kinh tế Nga là việc Điện Kremlin bị phong tỏa phần lớn dự trữ ngoại hối tích lũy, tổng trị giá hơn 640 tỷ USD, được cất giữ trong các tài khoản của các ngân hàng phương Tây - khoảng 50% trong số đó đã bị đóng băng và thêm 20% nữa là vàng, hiện khó chuyển đổi sang ngoại tệ. 

Ngoài ra, một số ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Nga phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt (bao gồm cả những hạn chế dẫn đến việc không thể thực hiện các giao dịch bằng đồng USD). Một số ngân hàng của Nga đã bị cắt khỏi hệ thống SWIFT, trong khi thẻ thanh toán Visa và Mastercard do các ngân hàng trong nước phát hành không còn được sử dụng ở nước ngoài.

Việc đưa ra lệnh cấm vận xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao sang Nga, bao gồm cả các công nghệ "nhạy cảm" như mạch tích hợp và chất bán dẫn, cũng có tầm quan trọng then chốt đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga (bao gồm vũ khí, hàng không, vũ trụ, năng lượng). Các nước phương Tây cũng đóng cửa không phận đối với máy bay dân sự Nga và đưa ra lệnh cấm vận đối với việc cung cấp phụ tùng, dịch vụ (cho thuê).

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga. Mỹ đã ngừng nhập khẩu các nguồn năng lượng như dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt hóa lỏng, than đá và các sản phẩm từ than đá của Nga. Anh cũng đã đình chỉ việc mua dầu của Nga và tăng thuế (lên 35%) đối với nhập khẩu nhiều mặt hàng khác, bao gồm kim loại đen và kim loại màu, phân bón và gỗ. Mặt khác, EU đình chỉ nhập khẩu một số sản phẩm sắt thép.

Đồng thời, phương Tây cũng nhằm vào giới thượng lưu Nga và các thành viên gia đình họ. Hơn 1 nghìn người đã được liệt vào danh sách trừng phạt, đồng nghĩa với việc các tài sản ở nước ngoài của họ (biệt thự, du thuyền, máy bay, tài khoản, v.v.) ước tính hàng trăm tỷ USD đã bị đóng băng. Họ cũng không thể nhập cảnh vào các nước phương Tây.


Châu Âu đã ngừng xuất khẩu ô tô và các linh kiện liên quan sang Nga. Ảnh: RT

Phản ứng của Điện Kremlin 

Ngân hàng Trung ương Nga (CRB) là ngân hàng đầu tiên phản ứng với các lệnh trừng phạt lớn được áp đặt, bằng cách tập trung vào cuộc chiến chống lạm phát (đã tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%) và duy trì tính thanh khoản tài chính của khu vực ngân hàng.

Để đạt được mục tiêu này, CRB đã đưa ra các biện pháp kiểm soát tiền tệ để giữ ngoại tệ ở trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Các quy định hạn chế được áp dụng đối với việc chuyển, đổi ngoại tệ. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Nga sẽ phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng rúp, có nghĩa là các tập đoàn lớn như tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga sẽ phải bán ngoại tệ. Điều này nhằm đảm bảo rằng nguồn cung ngoại tệ được duy trì và do đó hạn chế việc đồng rúp mất giá thêm. 

Đồng thời, Điện Kremlin cho phép những người đi vay của Nga tạm thời hoàn trả bằng đồng rúp đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ cho các chủ nợ từ các quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt. Tiền sẽ được chuyển vào tài khoản tại các ngân hàng của Nga. Riêng với một số công ty xuất khẩu lớn nhất của Nga, như Gazprom, Rosneft, Norilsky Nickel, Russian Railways và Severstal, Bộ Tài chính Nga đã cấp giấy phép đặc biệt để thanh toán các khoản nợ của họ bằng ngoại tệ. 

Do sự rút lui ồ ạt của các nhà đầu tư, CBR đã tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Moskva ngày 28/2 (chỉ được mở lại ở một mức độ hạn chế vào ngày 21/3). Đồng thời, Bộ Tài chính Nga thông báo chuyển 1 nghìn tỷ rúp (khoảng 9 tỷ USD) cho việc mua cổ phần của các công ty trong nước. Các công ty phát hành của Nga cũng được phép mua lại cổ phiếu của chính họ.

Chính phủ Nga cũng đang tìm cách nối lại hoạt động của các công ty đã ngừng hợp tác với Nga. Điều này có nghĩa là các công ty đa quốc gia trên thực tế không còn khả năng rút một số tài sản lưu động của họ khỏi Nga. Điện Kremlin cũng đã cảnh báo về việc quốc hữu hóa các tài sản ở Nga của họ, nhưng vẫn chưa quyết định thực hiện bước này.

Để ổn định tình hình trên thị trường nội địa, Chính phủ Nga cũng quyết định hạn chế xuất khẩu ngũ cốc và đường. Trong khi đó, các chính quyền địa phương có nghĩa vụ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bám sát giá cả của các nhu yếu phẩm (thực phẩm, vệ sinh hoặc thuốc), cũng như hỗ trợ kinh doanh thông qua chuyển tiền, giảm thuế. Tuy nhiên, hiện tại, Điện Kremlin vẫn chưa quyết định cung cấp thêm viện trợ tài chính cho các địa phương. 

Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng đã chuẩn bị một kế hoạch hành động để ổn định nền kinh tế. Kế hoạch gồm hơn 100 sáng kiến ​​với tổng giá trị khoảng 1 nghìn tỷ rúp (tương đương 9 tỷ USD), nhằm đóng góp vào việc xây dựng lại các chuỗi hợp tác và hậu cần trong nước cũng như cung cấp cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ từ các nhà cung cấp mới, thay thế. Những sáng kiến này đi kèm với việc tạo thuận lợi về hải quan, các khoản vay ưu đãi cho kinh doanh (đặc biệt là trong nông nghiệp và lĩnh vực năng lượng), trả trước (50–80%) để thực hiện các dự án được tài trợ bởi mua sắm công.

Những tác động đầu tiên từ biện pháp trừng phạt

Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt bắt đầu được cảm nhận ở Nga ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột. Ban đầu, thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi các nhà đầu tư rút vốn hàng loạt và người dân rút tiền gửi từ ngân hàng, đặc biệt là bằng ngoại tệ. Trong tuần đầu, đồng USD đã tăng 100% so với đồng rúp. Với các biện pháp của CBR, trong nửa cuối tháng 3, tỷ giá hối đoái đồng rúp đã ở dưới 110 rúp/USD. Tuy nhiên, những hạn chế đối với quyền tiếp cận tiền tệ đã dẫn đến việc kích hoạt "thị trường chợ đen". 


Đồng rúp của Nga đã tăng giá do các biện pháp trừng phạt. Ảnh: RT

Cho đến nay, các hành động của chính quyền Nga nhằm chống tăng giá bắt đầu cho thấy kém hiệu quả. Theo Rosstat, lạm phát hàng năm tính đến ngày 11/3 là 12,5%. Trong hai tuần đầu tiên của cuộc xung đột, giá đã tăng hơn 2% mỗi tuần (cao nhất kể từ năm 1998).

Trong nửa đầu tháng 3 (so với cuối tháng 2), giá các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh nhất: cà chua và chuối - tăng khoảng 17%, tivi - tăng trên 20%, ô tô khách - tăng 15%, thuốc chữa bệnh - khoảng 10%. Giá cao một mặt là kết quả của việc hàng hóa nhập khẩu đắt hơn vào thị trường Nga, nhưng trên hết là do nhu cầu tăng lên và nguồn cung hàng hóa giảm.

Trong lĩnh vực giao thông, các biện pháp trừng phạt đánh vào ngành hàng không nặng nề nhất. Hạn chế chuyến bay và lo ngại về việc bị tịch thu máy bay thuê ở các cảng hàng không nước ngoài đã dẫn đến việc tạm ngừng các chuyến bay ra nước ngoài, chủ yếu của các hãng hàng không lớn như Aeroflot và S7.

Vào giữa tháng 3, các chuyến bay du lịch bắt đầu nối lại, nhưng hoạt động chỉ với các máy bay thuộc sở hữu của Nga, chủ yếu là các máy Sukhoi Superjet. Trước cuộc xung đột, loại máy bay này (được sản xuất tại Nga) đang phải vật lộn với các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng và thiếu phụ tùng thay thế.

Một yếu tố khác ảnh hưởng mạnh đến lĩnh vực này là sự sụt giảm nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, liên quan đến tăng chi phí đi du lịch nước ngoài. Giá du lịch trung bình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gần 50%.

Lĩnh vực ô tô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết việc sản xuất ô tô trong nước đã bị ngừng do thiếu linh kiện hoặc do các nhà đầu tư nước ngoài rút lui. Ngoài ra, ô tô phương Tây nhập khẩu và các phụ tùng liên quan đã ngừng đến Nga.

Các mặt hàng xuất khẩu của Nga, như dầu mỏ, kim loại, ngũ cốc và phân bón, cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế do các nước phương Tây và các nhà nhập khẩu đơn phương áp đặt. Lĩnh vực dầu mỏ, vốn là nguồn thu ngân sách chính, đang gặp khó khăn lớn nhất.

Tính đến giữa tháng 3, xuất khẩu dầu của Nga đã giảm hơn 30%, tức là giảm 2,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, dầu thô Urals của Nga được bán rẻ hơn nhiều (trung bình 30 - 35 USD/thùng) so với dầu Brent, vốn có giá khoảng 110 USD/thùng vào ngày 19/3. Đồng thời, cước vận chuyển nguyên liệu thô cùng với phí bảo hiểm của Nga cũng tăng lên nhiều lần. 

Tóm lại, theo bà Wiśniewsk, cuộc khủng hoảng mà Nga hiện đang phải đối mặt rất khác so với 5 cuộc khủng hoảng trước đó mà nước này đã trải qua trong 30 năm qua (đầu những năm 1990, 1998, 2008/2009, 2014/2015 và 2020). Trước đó, suy thoái có nguyên nhân từ giá dầu giảm, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay có nguyên nhân chính trị. Giá cả hàng hóa tăng phi mã, trong khi Nga đang dần bị loại khỏi thị trường xuất nhập khẩu.

Do đó, Nga có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái trong vài năm và có thể mất một thập kỷ để trở lại mức phát triển như trước cuộc xung đột vì việc tìm kiếm các nhân tố mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện thực tế sẽ rất khó khăn.

Theo TTXVN