Hy vọng từ sáng kiến xét nghiệm hàng loạt

Malaysia bắt đầu quá trình phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6 trong ít nhất hai tuần sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục vào tháng 5 vừa qua. Đây là đợt hạn chế di chuyển toàn diện thứ hai mà quốc gia Đông Nam Á này thực hiện.


 Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 ở Klang, bang Selangor, Malaysia, ngày 30/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

 

 

Trước đó, tháng 3/2020, chính quyền của Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã quyết định áp đặt đợt hạn chế di chuyển đầu tiên, kéo dài 47 ngày, khi Malaysia ghi nhận 125 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 16/3, thời điểm đó là cao nhất Đông Nam Á.

Trong thời điểm hiện tại, số ca mắc COVID-19 tại nước này liên tiếp đạt "kỷ lục buồn", với 9.020 trường hợp mắc mới vào ngày 29/5, trước khi con số giảm xuống dưới mức 8.000 ca trong những ngày tiếp theo.

Bang Selangor, nằm cách thủ đô Kuala Lumpur 70km về phía Tây Bắc, tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất cả nước. Đây là bang giàu nhất của Malaysia, trung tâm vận tải biển và là nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước, đóng góp nhiều nhất Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Malaysia . Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 5 đến nay, số ca mắc COVID-19 mới tại bang này luôn khoảng 2.000 ca/ngày, chiếm hơn 1/4 số ca nhiễm mới của Malaysia. Do đó, trọng tâm của chiến dịch chống COVID-19 của Malaysia đợt này chính là bang Selangor.

Giáo sư, Tiến sĩ Mohammad Farhan Rusli, chuyên gia y tế cộng đồng và là người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm Selangor, cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng phức tạp nhưng các giải pháp khá đơn giản và dễ hiểu.

Theo Giáo sư Mohammad Farhan Rusli, vấn đề cơ bản là chiến lược ngăn chặn tốt nhất để giảm thiểu số ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó cần có một hệ thống đủ mạnh mẽ để nhanh chóng tìm kiếm, kiểm tra, phát hiện, theo dõi, cô lập và hỗ trợ các trường hợp nhiễm bệnh mới. Chuyên gia y tế này nhấn mạnh, xét nghiệm hàng loạt một cách nhanh chóng và tích cực là biện pháp tốt nhất để phát hiện các ổ dịch âm ỉ và ngăn chặn các trường hợp đơn lẻ có thể bùng phát ở quy mô lớn.

Về mặt khoa học, các trường hợp đơn lẻ đề cập đến các ca nhiễm bệnh không có mối liên hệ dịch tễ học và nguồn gốc ổ dịch không được minh chứng rõ ràng. Đáng lưu ý, ngày 11/5, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cũng bày tỏ lo ngại về 80% số ca mắc mới COVID-19 là các trường hợp đơn lẻ mà không thuộc các ổ dịch đang tồn tại.

Chính vì vậy, chính quyền bang Selangor đã triển khai Sáng kiến sàng lọc COVID-19 hàng loạt, trong đó tiến hành xét nghiệm miễn phí bằng bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RTK-Antigen) cho người dân cư trú tại tất cả 56 khu vực bầu cử của bang theo Kế hoạch hành động y tế cộng đồng Selangor từ ngày 8/5 - 10/6. Sáng kiến này hướng tới mục đích nhanh chóng phát hiện và cô lập những người mang virus SARS-CoV-2 thầm lặng nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch tại bang trung tâm này.

Tính đến ngày 29/5, chính quyền Selangor đã tiến hành 67.639 xét nghiệm RTK-Antigen tại 32 khu vực với tỷ lệ nghi ngờ dương tính trung bình là 4%. Các trường hợp nghi ngờ dương tính đã được chuyển đến Bộ Y tế để làm xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và thực hiện các biện pháp tiếp theo.

Giáo sư Farhan chia sẻ triển khai Sáng kiến xét nghiệm hàng loạt không chỉ giúp nhanh chóng phát hiện các trường hợp dương tính mà còn trang bị cho cơ quan chức năng dữ liệu cần thiết để hiểu rõ hơn về tỷ lệ dương tính và các điểm nóng. Theo ông, các khu vực có tỷ lệ dương tính cao trên 5% được coi là điểm nóng và sẽ cần kiểm tra kỹ hơn trong giai đoạn 2 - giai đoạn tiếp cận mục tiêu trong đó có việc phân tích các khu vực điểm nóng và kiểm tra mọi người làm cơ sở chuyển sang giai đoạn ngăn chặn.

Vị chuyên gia này đánh giá đến giai đoạn ngăn chặn sẽ không còn các ca mắc COVID-19 đơn lẻ và mỗi trường hợp dương tính phải có mối liên hệ dịch tễ học. Ông cũng chỉ ra rằng tốc độ là yếu tố quan trọng nhất khi nói đến phát hiện trường hợp chủ động, chính vì vậy, bang Selangor quyết định sử dụng phương pháp xét nghiệm RTK-Antigen để sàng lọc hàng loạt thay vì xét nghiệm PCR.

Chia sẻ với truyền thông, Giáo sư Farhan lưu ý, RTK-Antigen cho kết quả nhanh chóng, vì vậy cơ quan chức năng có thể cung cấp kết quả xét nghiệm cho tất cả những người tham gia ngay trong ngày, nhờ đó có biện pháp xử lý sớm và hiệu quả nhất, giúp ngăn chặn và phá vỡ chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh. Trong khi đó, xét nghiệm PCR đòi hòi thời gian lâu hơn, thậm chí lên tới 3 ngày mới có kết quả, có thể dẫn tới tồn đọng và chưa kịp thời ngăn chặn sự lây lan của virus.

Tiến sỹ Farhan lạc quan cho rằng mặc dù số ca mắc mới COVID-19 được phát hiện tại Selangor đang ở mức cao, nhưng việc xét nghiệm hàng loạt đã dần cắt đứt chuỗi lây lan cũng như triệt tiêu các ổ dịch tiềm tàng, từ đó kiểm soát tình trạng bùng phát của đại dịch và tập trung nỗ lực vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

TTXVN