Cú sốc niềm tin

Nước Pháp đã sốc sau khi Australia tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận với Paris về việc đóng tàu ngầm được ký cách đây gần 5 năm. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, đây là “sự phản bội” sau khi nước này đã xây dựng mối quan hệ tin cậy với Australia.

Không phải ngẫu nhiên ông Le Drian lại tức giận thốt ra những lời lẽ như vậy với đồng minh Australia. Bởi lẽ vào ngày 20-12-2016, chính ông, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp đã cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đặt bút ký “hợp đồng thế kỷ” trị giá 50 tỷ dollars Australia (khoảng 31 tỷ euro) để cung cấp cho Canberra 12 tàu ngầm. Một “món quà Giáng sinh” tuyệt vời với Paris khi giá trị hợp đồng trên vượt xa các thỏa thuận bán máy bay chiến đấu Rafale mà Pháp ký với Ai Cập (5,2 tỷ euro) hay với Qatar (6,3 tỷ euro) trong năm 2015. Ngay khi hợp đồng được ký kết, Tập đoàn Hải quân (Naval Group) của Pháp, một phần thuộc sở hữu của nhà nước, đã được chọn để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường cho Australia, dựa trên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Barracuda của Pháp đang trong quá trình phát triển. Naval Group nhanh chóng tuyển dụng hơn 500 người, trong đó có nhiều kỹ sư giỏi, về làm việc với mục tiêu bàn giao tàu ngầm cho Australia vào năm 2040 theo đúng kế hoạch.


Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: TTXVN 

Sau hơn 3 năm triển khai, hai bên đã xảy ra một số bất đồng khi Canberra chỉ trích Paris để hợp đồng bị “đội vốn” và chậm trễ giao hàng theo các điều khoản trong hợp đồng. Tháng 2-2020, đích thân ông chủ Tập đoàn Naval Hervé Guillou phải bay gấp sang Australia để dàn xếp vụ việc. Thậm chí, ngày 15-2-2020, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly (từ năm 2017, Bộ Quốc phòng Pháp đổi tên thành Bộ Quân đội Pháp-PV) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã ra thông cáo báo chí chung tuyên bố “cam kết thực hiện đầy đủ hợp đồng, cả về lịch trình và tăng cường năng lực công nghiệp đóng tàu cho Australia”.

Trong khi tiến độ công việc đang diễn ra trôi chảy thì mọi việc quay ngoắt 180 độ. Chiều 15-9 vừa qua, Thủ tướng đương nhiệm của Australia, ông Scott Morrison, tuyên bố nước này đã hủy “hợp đồng thế kỷ” với Pháp. Giải thích về quyết định trên, ông Morrison cho biết, Australia cùng với Anh và Mỹ hiện là đối tác an ninh ba bên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS). Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ đóng 8 tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. Cụ thể, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Australia là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc Australia buộc phải hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp.

Pháp bày tỏ sự giận dữ trước quyết định bất ngờ trên của Australia. Trong một tuyên bố ngày 16-9, Ngoại trưởng Le Drian cho rằng đây là “sự phản bội” sau khi nước này đã xây dựng một quan hệ tin cậy với Australia, đồng thời nhấn mạnh “đây không phải cách các đồng minh đối xử với nhau”. Trong khi đó, Bộ trưởng Parly nhấn mạnh “đây là một sự việc nghiêm trọng” xét khía cạnh địa chính trị và quan hệ quốc tế. Cả bà Parly và ông Le Drian đều lên án động thái “làm mất niềm tin” này của Canberra.

Cả Anh và Mỹ, hai đối tác của Australia trong AUKUS, ngay lập tức lên tiếng trấn an Pháp. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16-9 khẳng định, quan hệ Anh-Pháp vẫn “vững như bàn thạch”, bất chấp London và Washington ký hợp đồng sản xuất tàu ngầm với Canberra khiến Paris mất đi hợp đồng quan trọng. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, không có bất kỳ sự chia cắt khu vực nào có thể chia rẽ lợi ích của các đối tác Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đặc biệt, Pháp là đối tác quan trọng trong vấn đề này. Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ cho biết, Washington coi trọng “giá trị cơ bản” trong quan hệ với Pháp. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho rằng việc phá vỡ hợp đồng là chuyện thường tình, với ngụ ý nhắc lại việc Pháp từng hủy bỏ thỏa thuận bán cho Nga hai tàu Mistral năm 2015.

Dù sao, với Pháp, việc mất hợp đồng quan trọng với Australia là điều đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Pháp vẫn hy vọng Australia đổi ý hoặc chí ít sẽ “đổi vận” nếu tìm được đối tác thay thế Australia thực hiện tiếp hợp đồng. Hy vọng này khá mong manh nhưng vẫn có khả năng xảy ra, bởi trước đó Pháp cũng đã bán lại cho đối tác Ai Cập hai con tàu Mistral mà Paris từng ký hợp đồng bán cho Moscow.

Theo QĐND