Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế, xã hội bảo đảm tốt cho khu vực phòng thủ tỉnh

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Bắc Ninh đạt được những kết quả quan trọng về “Tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới”. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, xây dựng KVPT tỉnh vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bắc Ninh là một tỉnh nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng; thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc bộ; có diện tích tự nhiên 822,71 km2; dân số hơn 1,4 triệu người, cơ bản là dân tộc kinh với 8 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện). Từ xưa, Bắc Ninh - Kinh Bắc đã nổi tiếng là vùng “mỹ tục khả phong”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng; là tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong KVPT của Quân khu I. 
Từ khi tái lập tỉnh (năm1997) đến nay, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và các tỉnh bạn, Bắc Ninh đã có vị thế mới, đạt nhiều kết quả quan trọng, với nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đứng trong tốp dẫn đầu của cả nước, như: Đứng thứ nhất về GTSX công nghiệp; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; về đích sớm nhất toàn quốc phổ cập giáo dục cho trẻ dưới 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đứng thứ 2 về GRDP bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu. Đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI. Đứng thứ 6 về kết quả xây dựng nông thôn mới. Đứng thứ 7 về quy mô nền kinh tế; tốc độ tăng trưởng GRDP; tỷ lệ hộ nghèo. Đứng thứ 9 cả nước về thu ngân sách. 

 


Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến động viên lực lượng thực binh trong diễn tập KVPT tỉnh năm 2017.


Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội có sự chuyển biến tích cực. Tỉnh đã làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh - di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách đi trước và thực hiện cao hơn so với quy định của Trung ương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, cải cách hành chính được đẩy mạnh. Các mặt công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tư pháp, đối ngoại được tăng cường. Quốc phòng được bảo đảm, an ninh, trật tự được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò chiến lược của KVPT tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng KVPT. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tập trung phát triển kinh tế gắn với củng cố QP-AN. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế, xã hội bảo đảm tốt cho KVPT tỉnh. 

Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng, hoạt động KVPT của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp từng bước được hoàn thiện, tính đồng bộ, hiệu quả ngày càng được nâng cao. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân khu I, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ trì, phối hợp, tham mưu đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng KVPT các cấp. Tiềm lực, thế trận, sức mạnh của KVPT, nhất là tiềm lực kinh tế, chính trị-tinh thần, thế trận lòng dân, thế trận quân sự được củng cố, tăng cường. Chất lượng, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh được nâng cao.

Tỉnh đầu tư xây dựng các công trình trong KVPT giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng giá trị 221,16/1.165 tỷ đồng. HĐND tỉnh thông qua mức hỗ trợ chi trả ngày công cho lực lượng DQTV khi huấn luyện, làm nhiệm vụ từ 0,08% so với Luật lên 0,15%; bố trí ngân sách thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đền ơn, đáp nghĩa... Tổ chức 2 cuộc diễn tập KVPT tỉnh, 11 cuộc diễn tập KVPT cấp huyện, 9 cuộc diễn tập PCTT-TKCN, 327 cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã bảo đảm chặt chẽ, an toàn tuyệt đối. Qua diễn tập đã nâng lên trình độ hiệp đồng tổ chức chỉ huy điều hành và ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ QP-QSĐP.

Qua 10 năm thực hiện nghị quyết đã tạo chuyển biến tích cực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

Tuy nhiên còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng KVPT: Chất lượng công tác giáo dục quốc phòng toàn dân ở một số ngành, địa phương chưa tốt, dẫn đến nhận thức của một số cán bộ, bộ phận nhân dân còn hạn chế; chưa hiểu và thấy rõ trách nhiệm trong xây dựng KVPT. Công tác xây dựng, đăng ký, quản lý lực lượng DQTV, DBĐV và tổ chức huấn luyện ở một số địa phương, cơ sở chất lượng còn hạn chế, tổ chức, biên chế không ổn định, nếu có tình huống đột xuất, việc huy động lực lượng bước đầu một số cơ sở gặp khó khăn.

 


Lực lượng dự bị động viên tích cực tham gia công tác dân vận tại cơ sở.


Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng KVPT tỉnh vững chắc, nhất là xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế, xã hội, Bắc Ninh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là:


Một là, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về nhiệm vụ xây dựng KVPT, những khó khăn, thách thức đặt ra trong tình hình hiện nay, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.


Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền trong quản lý, điều hành nhiệm vụ xây dựng, hoạt động KVPT. Tiếp tục rà soát, bổ sung, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực hiện với lộ trình, biện pháp đồng bộ, khoa học, khả thi, phù hợp điều kiện của địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp vận hành nghiêm cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tham mưu theo chức năng và tổ chức thực hiện”; chủ động linh hoạt vận dụng để phù hợp với sự phát triển của thực tiễn trong điều kiện mới; làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng, hoạt động KVPT của các địa phương; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.


Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nguồn lực vật chất, khoa học, kỹ thuật xây dựng KVPT ngày càng vững chắc. Cơ quan quân sự các cấp phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; phối hợp với các sở, ban, ngành tham gia khảo sát, thẩm định và giám sát việc triển khai các dự án phát triển KT-XH về mặt QS, QP; rà soát chặt chẽ về quốc phòng đối với các dự án, nhất là dự án có vốn đầu tư nước ngoài, kiên quyết không vì lợi ích kinh tế mà phá vỡ thế trận QP-AN, sự vững chắc của KVPT. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh, bổ sung việc quy hoạch, phát triển của các dự án vào hệ thống văn kiện tác chiến; chỉ đạo, tổ chức luyện tập, diễn tập các cấp đạt chất lượng, bảo đảm, an toàn tuyệt đối. 


Bốn là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, thực sự làm nòng cốt để tăng cường tiềm lực quân sự, an ninh cho KVPT. Cơ quan quân sự các cấp thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp tham mưu cho địa phương xây dựng KVPT: Tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng; xây dựng thế trận quân sự, an ninh; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập… hoàn thiện khả năng phối hợp giữa các lực lượng trong xử trí các tình huống QP-AN có thể xảy ra. Đồng thời, tích cực dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có đối sách xử lý phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo BaoBacNinh