Viết tiếp truyền thống “Bám đất, bám dân, càng đánh càng mạnh...”

Cách đây 59 năm, ngày 8-5-1962, Trung đoàn 2 được thành lập tại căn cứ Nước Chè tỉnh Kom Tum với vai trò là trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 5, hoạt động chủ yếu trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum. Từ đó đến nay, Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ trên những địa bàn chiến lược khác nhau từ Nam ra Bắc; lần lượt đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Quân khu 5 (1962 - 1965) và Sư đoàn bộ binh 3 (từ 1965). Trung đoàn 2 hiện nay là đơn vị chủ lực đủ quân, đứng chân trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cơ động chiến đấu theo mệnh lệnh của Sư đoàn 3, Quân khu 1 và Bộ Quốc phòng.


Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 huấn luyện chiến thuật.  Ảnh: BÙI HIỆP

Thời gian đầu mới thành lập, Trung đoàn được biên chế 4 Tiểu đoàn bộ binh: 80, 90, 95, 20 và  1 tiểu đoàn cối trợ chiến, 1 đại đội đặc công. Nhưng chỉ 3 tháng sau, ngày 30-8-1962, Trung đoàn đã đánh bại cuộc càn lớn bằng trực thăng và xe bọc thép của ngụy quân tại Nà Niêu (Trà Bồng, Quảng Ngãi), lập chiến công đầu xuất sắc. Trong trận đầu ra quân đánh địch, Tiểu đoàn 90 đã bắn rơi 1 máy bay trực thăng, bắn bị thương 12 chiếc khác trên tổng số 30 máy bay trực thăng thuộc Liên đoàn 77 biệt kích dù của địch đổ quân xuống Nà Niêu; góp phần bẻ gãy “mũi lao” trực thăng vận, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn I của địch; bảo vệ àn toàn cho căn cứ địa Nước Là - nơi đứng chân của Khu ủy 5, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lúc này. Trung đoàn 2 trở thành đơn vị đầu tiên trong lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “phượng hoàng bay” của địch; dẫn đầu phong trào thi đua “Đánh giỏi, bắn trúng, diệt gọn” do Quân khu phát động.

Chiến công nối tiếp chiến công, Trung đoàn đánh nhiều trận quan trọng khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lập thành tích xuất sắc. Tháng 12-1964, Quân khu 5 quyết định mở Chiến dịch An Lão nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một khu vực rộng lớn để nối liền khu du kích của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định, làm bàn đạp tiến xuống đồng bằng. Thực hiện quyết định của Quân khu, trong hai ngày 7 và 8-12-1964, Trung đoàn 2 đã phối hợp với Tiểu đoàn 409, Tiểu đoàn 93 và lực lượng địa phương đồng loạt tiến công vào các cứ điểm: Điểm cao 193, đồi Mít, Hội Long và 8 ấp chiến lược; đồng thời bao vây, uy hiếp chi khu quân sự quận lỵ An Lão, tỉnh Bình Định. Đòn tiến công của Trung đoàn vào An Lão làm rung động ngụy quân ngụy quyền Bình Định. Sư đoàn 22 bộ binh ngụy tăng viện cho An Lão. Trung đoàn 2 chuyển sang phục kích đánh địch đến giải tỏa, tiếp viện. Tiêu diệt gần 600 tên địch, bắn 5 xe tăng M.113 (lần đầu tiên ta tiêu diệt được xe tăng M.113 trên chiến trường này), thu hàng trăm khẩu súng các loại, buộc địch ở chi khu quân sự quận lỵ An Lão phải tháo chạy. Toàn bộ huyện An Lão với khoảng 11.000 dân được giải phóng; nối liền căn cứ phía Tây Bắc và khu Đông tỉnh Bình Định với hai huyện Ba Tơ, Đức Phổ (Quảng Ngãi), nối liền với Tây Nguyên tạo thành một vùng căn cứ địa vững chắc, liên hoàn, đóng góp tích cực về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh cho đến ngày toàn thắng năm 1975.

Chiến thắng An Lão đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Trung đoàn 2, được đồng chí Lê Duẩn, thay mặt Trung ương cục và Bộ Chỉ huy quân sự Miền khen ngợi và ghi nhận: “Chiến thắng An Lão đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân khu mà nòng cốt là Trung đoàn 2. Lần đầu tiên, trên chiến trường Khu 5 xuất hiện phương thức tác chiến mới của bộ đội chủ lực, kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân, du kích dưới hình thức tác chiến quy mô cấp trung đoàn”. Lần đầu tiên trên địa bàn Quân khu 5, quân ta đánh bại hệ thống phòng ngự của địch bằng cụm cứ điểm kết hợp với hệ thống ấp chiến lược; đồng thời đánh bại thủ đoạn đổ bộ bằng “trực thăng vận” của địch. Chiến thắng An Lão (Bình Định) cùng với chiến thắng Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh dấu sự phá sản về cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Với chiến thắng này, Trung đoàn được nhân dân tin yêu lấy tên quê hương An Lão đặt tên. Từ đây, Trung đoàn bộ binh 2 có tên gọi mới Trung đoàn 2 - An Lão hay Đoàn An Lão.

Khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, để cứu ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại vào tham chiến trực tiếp ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Trước tình thế đó, Trung ương Cục Miền Nam và Bộ chỉ huy quân sự Miền quyết định giao cho Quân khu 5 chuẩn bị lực lượng, thành lập các Sư đoàn chủ lực của Quân khu, sẵn sàng đối phó với chiến lược mới của địch.

Ngày 2-9-1965 tại khu rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Trung đoàn 2 vinh dự được đứng trong đội hình mới thành lập của Sư đoàn bộ binh 3 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 5.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3, Trung đoàn 2 không ngừng phát triển, trưởng thành, liên tục chiến đấu và chiến thắng trên nhiều địa bàn chiến lược. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Trung đoàn 2 đã đánh cắt Đường số 19, hỗ trợ cho Chiến dịch Tây Nguyên; cùng đơn vị bạn và nhân dân địa phương đánh bại Sư đoàn 22 của ngụy, giải phóng tỉnh Bình Định. Sau đó, cơ động vào đánh địch ở Phan Rang, diệt địch ở Du Long, ấp Bà Râu, bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 3 chiến thuật, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn không vận số 6, Đại tá Nguyễn Thu Lưỡng, Tư lệnh Lữ đoàn dù số 2 và nhiều sĩ quan cấp tá, úy của ngụy quân, góp phần loại khỏi vòng chiến đấu 2.584 tên, thu rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 40 máy bay và 37 khẩu pháo 105, 155. Sau đó, Trung đoàn tham gia giải phóng Vũng Tàu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, tính đến ngày 23-1979, Trung đoàn 2 đã đánh 21 trận; trong đó, có 7 trận quy mô cấp Trung đoàn, 3 trận quy mô cấp tiểu đoàn, 11 trận quy mô cấp đại đội. Tiêu diệt 3.150 tên địch, loại khỏi vòng chiến đấu 1.870 tên; tiêu diệt 2 tiểu đoàn, 1 đại đội và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch; bắn cháy 11 xe tăng, xe quân sự và thu 910 súng các loại. Với chiến công xuất sắc, Trung đoàn 2 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong thời gian chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (2-1985 đến 2-1986), Trung đoàn 2 đã đánh bại 8 trận bộ binh địch tấn công từ cấp đại đội đến cấp Trung đoàn, đập tan 147 trận tập kích bằng hỏa lực, phá hủy 16 trận địa cối, bắn sập 25 hầm đạn, thu nhiều vũ khí trang bị. Với những thành tích đã đạt được, Trung đoàn 2 vinh dự được Chủ tịch Hội đồng nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương chiến công; 28 tập thể và 40 cá nhân được tặng thưởng huân huy chương các loại và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cờ: “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên”.

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1962 - 2021), được sự đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ từ cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn đóng quân; sự phối hợp của các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 đã đoàn kết vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh, lập nên những chiến công vang dội, kiên trì xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Bám  đất, bám dân, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành”. Ghi nhận những chiến công và thành tích đạt được, Trung đoàn 2 cùng 4 tập thể và 8 cá nhân thuộc Trung đoàn đoàn đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đoàn An Lão đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ toàn diện trên các mặt công tác; thực hiện hiệu quả các khâu đột phá; chất lượng huấn luyện, diễn tập và khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ và vai trò tiền phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên được phát huy tốt. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn ra sức phát huy truyền thống, đoàn kết thống nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng bộ TSVM, đơn vị VMTD vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trung tá Đặng Minh Tuấn,
Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 3