Ngoài các “anh nuôi” đang hằng ngày hết mình với công việc, chu toàn bữa ăn cho bộ đội, những chiến sĩ thuộc Trung đội Vệ binh, Ban Tham mưu, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 cũng được coi là những người “làm dâu trăm họ” bởi “Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội”, những người lính vệ binh âm thầm, lặng lẽ tuần tra, canh gác, kiểm soát quân sự, duy trì việc chấp hành nghiêm quy định về lễ tiết tác phong quân nhân… góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị.
Một ngày cuối tháng 7, trời lúc nắng như đổ lửa, lúc thì mưa như trút nước, chúng tôi theo chân Trung tá Đào Minh Tuấn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 2 xuống Trung đội Vệ binh (Ban Tham mưu) để hiểu thêm nhiệm vụ đặc đù của họ. Sau động tác chào điều lệnh là những cái bắt thân thiết, trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Văn Trung, Trung đội trưởng, Trung đội Vệ binh hồ hởi cho biết: “Ở đây, chúng tôi cũng được coi là những người “làm dâu trăm họ” bởi chúng tôi phải thật sự khéo léo, linh hoạt trong xử lý tình huống, chuẩn về lễ tiết, tác phong, xưng hô chào hỏi; vừa giữ tác phong chuẩn mực khi đứng gác, vừa duy trì đúng điều lệnh, lễ phép đối với quân nhân và khách ra, vào doanh trại. Vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, chúng tôi đã làm nên “thương hiệu” người lính vệ binh bằng tinh thần tự giác, hăng say học tập, công tác, rèn luyện kỷ luật”.
Cũng theo Thượng úy Nguyễn Văn Trung, hằng năm, căn cứ chỉ tiêu được biên chế, tôi đã trực tiếp xuống các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới để tuyển chọn những chiến sĩ vệ binh về đơn vị học tập, công tác. Ngoài phẩm chất đạo đức tốt, trình độ học vấn đủ tiêu chuẩn, người lính vệ binh phải có sức khỏe, chiều cao, vóc dáng cân đối chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị và gương mặt “ưa nhìn”. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất do cấp trên giao, chiến sĩ vệ binh được huấn luyện sâu các nội dung: Động tác điều lệnh đội ngũ, huấn luyện thể lực, tiêu binh, tuần tra canh gác, phương pháp nhận dạng phương tiện, phương pháp kiểm tra người, hàng hóa ra, vào cổng gác; duy trì tốt việc chấp hành các quy định, lễ tiết tác phong quân nhân…
Huấn luyện điều lệnh đội ngũ ở Trung đội vệ binh Trung đoàn 2.
Tại vọng cổng gác chính Trung đoàn, Binh nhì Khương Văn Minh (quê phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội Vệ binh tự hào nói: “Tuy là “con nhà nòi”, có bố và anh trai hiện là sĩ quan quân đội, vào quân ngũ, ban đầu, tôi cảm giác… hơi rụt rè, bỡ ngỡ, nhưng khi được cấp trên, đồng chí, đồng đội giúp đỡ, gắn bó, yêu thương, tôi đã mạnh dạn, trưởng thành hơn. Hết 3 tháng huấn luyện tân binh, tôi được biên chế về đây. Đã trở thành người lính “Bộ đội cụ Hồ”, ai cũng có một niềm tự hào, là chiến sĩ vệ binh thì niềm tự hào ấy của tôi được nhân lên gấp bội. Đó là nguồn động lực không nhỏ, giúp tôi vững chí, bền gan thực hiện tốt nhiệm vụ ngày càng tốt hơn”.
Binh nhất Trần Văn Khang (quê xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), Chiến sĩ Tiểu đội 1 bộc bạch: “Hằng ngày, chúng tôi đảm nhiệm gác 2 ca vào ban ngày, 1 ca vào ban đêm, mỗi ca gác 2 giờ. Để duy trì việc ra vào cổng của mọi quân nhân và người dân đến liên hệ công tại đơn vị bảo đảm khoa học, thống nhất, đúng điều lệnh, đòi hỏi mọi cử chỉ, lời nói của chúng tôi phải chuẩn mực , “hợp tình, hợp lý”, đặc biệt là phải tập trung cao độ để quan sát các hướng, không lơ là, mất cảnh giác trước mọi tình huống”.
Chị Phạm Thị Nhã (quê xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, mẹ của Binh nhì Nguyễn Mạnh Cường, Chiến sĩ Đại đội 18, Trung đoàn 2): “Mấy lần lên thăm con trai, đến cổng doanh trại, tôi thấy các đồng chí chiến sĩ vệ binh tuổi đời còn trẻ, song rất chững chạc, trang phục chỉnh tề, đứng gác trong tư thế nghiêm túc nhưng vẫn niềm nở, tận tình, chu đáo, đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng tôi”.
Kiểm tra giấy tờ phương tiện tham gia giao thông khi ra khỏi doanh trại.
Bằng tinh thần nhiệt huyết, khí chất đặc biệt và niềm tự hào tràn đầy khát vọng cống hiến, tin tưởng rằng, những chiến sĩ vệ binh Trung đoàn 2 luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.