CUỘC SỐNG MỚI CỦA ĐỒNG BÀO MÔNG Ở THÁI NGUYÊN
Kỳ 2: Định canh định cư, nỗ lực thoát nghèo

Những năm gần đây, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên thành lập các đoàn công tác thuộc Ban CHQS các huyện thực hiện khảo sát từng bản người Mông để nắm bắt tình hình thực tế, từng bước tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, giải pháp căn cơ giúp đỡ bà con định canh, định cư làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, không còn tập tục du canh, du cư.

Từ trung tâm các xã có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc 4 huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Lương, nhìn bốn bề đều thấy núi. Ấy thế mà trong những năm gần đây, từng cung đường dốc cao thúc gối vào ngực đã được Nhà nước đầu tư để hạ cấp, đổ bê tông, nhiều tuyến đường đã lựa thế núi, chẻ núi dẫn về từng thôn, bản. Các đoàn công tác theo đường mòn, ngược dốc “cõng” các chương trình, dự án của Nhà nước về hỗ trợ đồng bào. Theo con đường ấy là biết bao câu chuyện đổi đời của người Mông ở Thái Nguyên.

Nhớ ngày nào, hạt ngô theo chân người Mông trên bước đường di trú, nay nhường chỗ cho hạt lúa trổ đòng. Là địa phương có sự chuyển dịch lớn từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, người dân bỏ ruộng đi làm công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, khiến cho ruộng đất có nguy cơ hoang hóa, bạc màu. Sát sao với tình hình thực tế tại địa phương, các tổ công tác dân vận của LLVT Quân khu đã vào từng thôn bản, vận động đồng bào người Mông thuê lại ruộng đất để cấy cày; cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ bà con về giống, vốn và phương thức sản xuất để làm chủ được tập tính của cây lúa nước.


Cô và trò Trường tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

Anh Lý Văn Sài ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ với chúng tôi: “Nhà mình trước kia chỉ sống bằng nghề chặt củi đốt than trên những đỉnh núi cao, không có đất canh tác, ai gọi đi làm gì thì làm nấy, vợ con nheo nhóc vì thiếu ăn; được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của chính quyền địa phương, nhà mình giờ đã khá hơn nhiều rồi, cái đói, cái nghèo giờ chỉ là trong tiềm thức thôi”…

Qua chia sẻ anh Sài còn cho biết, có lần đi rừng bị cưa máy xén lìa cả chân, dù nối lại được nhưng tỷ lệ thương tật cao, sức khỏe suy giảm, không đi rừng được nữa. Vén quần lên để lộ vết sẹo khoanh tròn cổ chân, anh Sài quả quyết: Bây giờ phải chăm chỉ làm ăn, sao cho cái miệng không bị đắng vì bụng đói nữa; bà con cho con em đi làm công nhân nhiều, ruộng nương bỏ lại, mình cùng nhiều hộ dân khác thuê lại ruộng của bà con người Kinh với mức 50kg thóc/sào/vụ để cấy lúa, nhà nào ít cũng 2 sào còn nhà nhiều thì trên 2 mẫu; nhà mình thuê 4 sào ruộng để cấy lúa, mỗi năm gia đình cũng thu về được gần 5 tạ thóc.

Thượng tá Bùi Quốc Phong, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Phú Lương, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần bám dân, bám bản hướng dẫn bà con người Mông xóm Đồng Tâm cách thâm canh trồng lúa nước cho biết: Mới đầu bà con chưa có kinh nghiệm trồng lúa nước, anh em trong đơn vị đã tranh thủ thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ hướng dẫn bà con cách thâm canh lúa nước; nơi đất dốc thì trồng rừng; đất cao thì trồng ngô, trồng cây ăn quả và đặc biệt là trồng chè. Với phương thức chuyển giao là “cầm tay chỉ việc”, chọn hộ và nhóm hộ gia đình làm thí điểm, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng, các anh đã giúp đồng bào Mông nơi đây xóa đi phương thức canh tác lạc hậu xưa cũ, cũng như vị trí độc tôn của cây ngô trong tâm thức đồng bào người Mông. Mưa dầm thấm lâu, bộ đội đóng vai trò then chốt cùng với cán bộ khuyến nông trong việc thuyết phục bà con áp dụng mô hình canh tác bền vững và đưa những tiến bộ khoa học vào kỹ thuật giống cây trồng. Bà con nhìn rõ được giá trị kinh tế của cây chè nên thêm tin yêu bộ đội. Những bếp lửa sấy chè hoạt động đêm ngày, những đôi bàn tay tất bật vò chè, sao chè, đồng bào Mông đang dần dần thực sự làm chủ cuộc đời mình.

Nếu như trước đây, người Mông quen chịu khổ, lười biếng trùm chăn hoặc say khướt bên những chén rượu ngô vì bất lực trước sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống; thì nay, nhờ có sự nhiệt tình vận động của cán bộ dân vận mà họ đã chui ra khỏi chăn đi làm, tự cứu đói cho mình. Bệnh lười không chữa mà tự khỏi. Ai nấy đều biết quý trọng thời gian, tìm ra những cách làm phù hợp với gia đình mình. 

Bà Vi Thị Sản, ở xóm Pác Máng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có 2 ha đất ruộng, từ 3 năm nay, bà cho máy san ủi, đắp bờ trữ nước thành lòng hồ. Hồi mới làm xong, hồ cạn trơ đáy, bà làm đất gieo lúa, đợi mưa xuống thì mua cá giống về thả. Toàn bộ số lúa gieo dưới hồ trở thành thức ăn tại chỗ nuôi béo cá. Đến vụ mùa, bà tháo nước bắt được hơn 1 tấn cá cho thu nhập cao, sau đó gieo cấy lúa vụ mùa lấy thóc ăn cả năm. Không cho đồng tiền được nghỉ ngơi, bà bắt nó sinh lời bằng việc đầu tư nuôi thêm lợn thịt. Kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn.

Rồi ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên nhiều người biết về ông Hoàng Văn Bình được mệnh danh là người nuôi trâu khủng. Ông thường tìm mua những loại trâu lớn, trâu chọi để nuôi gột vỗ, có năm bán được hơn 10 con với giá bán 60-70 triệu đồng/con. Bí quyết làm giàu của ông Bình không phải là điều gì đó phức tạp, mà chính là kết quả của sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và nhận thức đó là cần cù, chăm chỉ, chịu khó thức khuya dậy sớm, không để trâu, bò bị đói thì bụng mình được no. 

Các hộ gia đình noi gương nhau, các xóm, bản cũng thi đua với nhau làm kinh tế. Mấy năm gần đây, xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, bà con hồ hởi bảo nhau trồng thí điểm cây đinh lăng và ba kích. Đây là 2 loại cây dược liệu không kén đất, chi phí đầu tư thấp mà bán được giá cao với thị trường tiêu thụ ổn định. Rồi làm kinh tế hộ gia đình hay kinh tế thôn bản, đồng bào Mông đều tự tin thử sức mình, bởi vì đồng hành cùng bà con, luôn có những màu áo xanh mướt mải mồ hôi, có sự động viên, khích lệ chân thành và nhiệt tình của bộ đội địa phương; các anh luôn bám bản, giúp đỡ đồng bào không để bị lùi lại phía sau trong cuộc chiến xóa đói nghèo. 

Qua hết vụ xuân lại tới cấy vụ mùa, những gia đình người Mông cần cù quanh năm có thóc, ngô xếp chật gác sàn, ngày tuần đi hát thánh ca, cuối tháng đi chợ phiên. Đó cũng là lúc bộ đội tìm cách gieo con chữ vào với đồng bào. Không quản đá núi gập ghềnh, đường đèo khúc khủyu, các anh quyết vận động bà con cho trẻ tới trường. Bởi chỉ có tri thức, có sự hiểu biết, có cầu nối với xã hội văn minh, thì con cháu người Mông sau này mới thật sự an cư lạc nghiệp.
(Còn nữa)

Bài và ảnh: KHƯƠNG DOÃN

Kỳ cuối: An cư lạc nghiệp