Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực từ 1-1-2025

Ngày 25-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Thanh Hà chủ trì buổi họp báo, đã đọc Lệnh của Chủ tịch nước công bố: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông; Luật Căn cước; Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Luật Kinh doanh bất động sản, đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ sáu.


Quang cảnh buổi họp báo. 

Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, sau 29 năm thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc xây dựng và ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là rất cần thiết. Sau hơn 3 năm xây dựng, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24-11-2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025.

Mục đích xây dựng luật, theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.

Thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều.

Một trong những nội dung cơ bản của luật là quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; phân loại và phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về quản lý công trình lưỡng dụng và những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Cùng với đó luật quy định: Nội dung quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự; lập hồ sơ quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo quản, bảo trì công trình quốc phòng; chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự; phá dỡ công trình quốc phòng, di dời khu quân sự; thống kê, kiểm kê công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về trách nhiệm quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, luật quy định về nội dung bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự; xử lý công trình, vật kiến trúc, đất, đất có mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thuộc Bộ Công an phối hợp tham gia bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thuộc cơ quan, tổ chức được giao bảo vệ công trình quốc phòng…

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Xây dựng và ban hành Kế hoạch thi hành Luật; Tổ chức xây dựng để ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật.

Theo QĐND