Bắc Kạn hiện có 4 nhà máy gạch tuynel đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, nhưng đều chưa được cấp phép khai thác mỏ đất làm nguyên liệu sản xuất gạch theo quy định của Luật Khoáng sản. Các nhà máy thu mua nhiều đất từ bên ngoài nhưng việc đóng thuế, phí tài nguyên theo quy định lại chưa rõ ràng.
Hoạt động sản xuất gạch tại Nhà máy gạch Tuynel Hà Vị, Bạch Thông. (Ảnh: HƯƠNG DỊU).
Bắc Kạn hiện đang có 2 nhà máy gạch tuynel được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý cho sử dụng đất san gạt trong quá trình xây dựng nhà máy làm nguyên liệu sản xuất gạch. Tuy nhiên, 2 chủ trương đồng ý này đều không có thời hạn cụ thể.
Đó là Công ty cổ phần gạch ngói Chợ Đồn xây dựng nhà máy gạch tuynel tại xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn với công suất 30 triệu viên/năm, đi vào hoạt động từ tháng 4/2020 tới nay. Công ty được tỉnh Bắc Kạn đồng ý chủ trương sử dụng đất san gạt trong quá trình xây dựng nhà máy làm nguyên liệu sản xuất với khối lượng 250.000m3, không ghi thời hạn sử dụng.
Công ty đã đăng ký khối lượng sử dụng đợt 1 là 100.000m3. Không sử dụng hết hạn mức 250.000m3 đã được đồng ý nhưng trong quá trình sản xuất, công ty đã tiếp nhận nguồn đất san gạt từ các công trình dự án, các hộ gia đình với khối lượng khoảng 177.000m3. Việc tiếp nhận này không có hợp đồng, văn bản thỏa thuận.
Từ số nguyên liệu này, đến tháng 6/2023, công ty đã sử dụng 6.120m3 đất trong khối lượng được tỉnh đồng ý cho sử dụng và 26.979m3 đất thu mua ngoài để sản xuất ra hơn 53 triệu viên gạch. Công ty đã xuất bán hơn 48 triệu viên gạch; nộp ngân sách tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần gốm và khai thác xây dựng Bắc Kạn xây dựng nhà máy gạch tuynel công suất 25 triệu viên/năm tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông.
Công ty cũng được tỉnh Bắc Kạn chấp thuận cho phép sử dụng đất phát sinh trong quá trình xây dựng nhà máy để làm nguyên liệu với khối lượng 156.000m3, không có thời hạn sử dụng. Quá trình sản xuất, công ty thu mua 13.932m3 đất từ bên ngoài. Công ty đã sử dụng 54.959m3 đất để sản xuất được hơn 47 triệu viên gạch. Công ty đã xuất bán hơn 37 triệu viên gạch; nộp ngân sách hơn 761 triệu đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn Bắc Kạn còn nhà máy gạch tuynel Cẩm Giàng, Bạch Thông của Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn và nhà máy của Công ty cổ phần xi-măng Bắc Kạn-DATC. Cả 2 nhà máy này cũng sử dụng nguyên liệu chủ yếu là nguồn đất thu mua từ bên ngoài.
Các nhà máy sản xuất gạch tuynel ở Bắc Kạn sử dụng nhiều đất thu mua từ bên ngoài. (Ảnh: HƯƠNG DỊU)
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, các nhà máy gạch tuynell trên địa bàn chủ yếu sử dụng đất lấy từ các công trình san gạt trên địa bàn. Việc tận dụng nguồn đất thực hiện theo quyết định số 27/2022/QĐ-UBND ngày 27/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn quy định về quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Theo đó, tại điểm b, khoản 3, điều 7 quy định này ghi: “…khuyến khích tận dụng nguồn đất sét phát sinh từ thi công nền, móng các công trình xây dựng làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung”.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng cho rằng, việc chấp thuận cho Công ty cổ phần gốm và khai thác xây dựng Bắc Kạn và Công ty cổ phần gạch ngói Chợ Đồn sử dụng nguồn đất trong quá trình thi công san gạt xây dựng nhà máy nhưng không có thời hạn sử dụng cụ thể thì cần xem xét lại.
Các nhà máy tận dụng đất phát sinh từ các công trình, dự án xây dựng là sử dụng tài nguyên khoáng sản để làm nguyên liệu sản xuất gạch, vì vậy, cần phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thuế phí khác theo quy định.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, không có mỏ đất nhưng các nhà máy ở Bắc Kạn vẫn hoạt động đều đặn với nguyên liệu là đất chủ yếu thu mua trôi nổi từ các điểm san gạt. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài nguyên, hình thành các điểm san gạt trái phép và thất thu thuế, phí tài nguyên. Đất thu mua ngoài khi vận chuyển đất ảnh hưởng đến môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Việc được đồng ý sử dụng đất tại chỗ khi thi công nhà máy nhưng không có thời hạn đang dễ tạo ra “lỗ hổng”, dễ bị lợi dụng để “hợp pháp hóa” đất thu mua trôi nổi từ ngoài vào.
Đến ngày 21/10/2023, chỉ có nhà máy gạch tuynel Chợ Đồn và nhà máy gạch tuynel Cẩm Giàng có chứng nhận hợp quy còn hiệu lực. 2 nhà máy còn lại đã hết hạn giấy chứng nhận hợp quy. Sở Xây dựng đã ra văn bản đôn đốc nhưng 2 đơn vị này chưa thực hiện thủ tục gia hạn.
Theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2020-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó nêu rõ định hướng phát triển các dự án sản xuất gạch tuynel: “không đầu tư mới, mở rộng các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung khi không có vùng nguyên liệu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên của các tỉnh, thành phố đã được phê duyệt”.
Như vậy, các nhà máy gạch tuynel, bên cạnh việc đầu tư dây chuyền, công nghệ tiên tiến, phù hợp quy hoạch phát triển, còn phải có vùng nguyên liệu đáp ứng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dù từ tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các công ty có nhà máy sản xuất gạch tuynel lập hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản để có nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch, song đến nay, Sở chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản của đơn vị nào.
Trước những bất cập này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ra văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan để xác định khối lượng đất các nhà máy gạch đã sử dụng, trình tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu cho tỉnh xem xét chỉ đạo đối với việc sử dụng đất san gạt trong quá trình xây dựng nhà máy.
Bắc Kạn cũng chỉ đạo rà soát, tổng hợp số liệu liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của các nhà máy gạch; xác định định mức sử dụng đất làm gạch của các nhà máy để làm cơ sở xác định khối lượng đất đã sử dụng. Công an tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác đất san lấp, san gạt mặt bằng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đổ đất đá thải không đúng quy định.
Theo Báo Nhân Dân