Tăng gia thời gối vụ ở Lữ đoàn Phòng không 210

Đóng quân trên địa bàn thành phố, diện tích đất canh tác ít, nhưng các đơn vị của Lữ đoàn Phòng không 210 luôn có nhiều giải pháp và tích cực phát huy tinh thần tự lực, tự cường của bộ đội trong công tác tăng gia sản xuất (TGSX), mang lại hiệu quả cao; góp phần nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội.


Chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 210 chăm sóc vườn rau.

Đang là thời điểm gối vụ song vườn tăng gia của các đơn vị Lữ đoàn 210 luôn ngập tràn màu xanh mướt của các loại rau, củ, quả. Tại vườn tăng gia tập trung của Tiểu đoàn 3. Mặc dù tổng diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 4.000m2 nhưng được quy hoạch theo từng khu vực khá khoa học và hợp lý. Dọc theo các lối đi là hàng đu đủ sai trĩu quả. Bao quanh hệ thống vườn rau là những giàn su su, giàn bầu, giàn mướp đắng; các ô trong vườn được phân chia đều bằng những lối bê tông kiên cố làm nổi bật lên các ruộng rau bắp cải, cải ngọt, su hào, súp lơ tươi tốt. Khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn duy trì hàng trăm con lợn thịt, gà đẻ trứng; ngoài ra còn có chim cút và gần 8.000m2 diện tích ao thả cá, đủ cung cấp phục vụ bữa ăn cho toàn đơn vị.

Thiếu tá Chu Văn Dương, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 210 cho biết: “Không chỉ giai đoạn sau dịp Tết, mà tất cả các thời điểm gối vụ trong năm, đơn vị vẫn luôn duy trì lượng rau xanh và tự túc 100% thịt lợn, gia cầm bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt của bộ đội. Có được kết quả trên là do đơn vị đã tích cực, chủ động trong thực hiện công tác tăng gia chăn nuôi, bảo đảm xen canh, gối vụ hợp lý, có kế thừa, có phát triển, phù hợp theo mùa vụ”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết: Để có được vườn TGSX chính quy như hiện nay là kết quả từ sự đầu tư công sức, trí tuệ không hề nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Từ việc đầu tư xây dựng chuồng trại, cải tạo ao thả cá, thực hiện hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng - giàn, để bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Hằng năm, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch TGSX tỉ mỉ, khoa học, phù hợp với thực tiễn; trong đó thể hiện cụ thể việc bố trí, quy hoạch vườn, giàn của từng đơn vị, bộ phận; xác định các giống rau theo từng tháng trên các vườn. Đặc biệt, Lữ đoàn còn tổ chức giao chỉ tiêu tăng gia cụ thể ngay từ đầu năm cho từng đơn vị, bộ phận, cá nhân, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của bộ đội trong công việc.

Trung tá Phạm Đình Linh, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 210 chia sẻ: “Quỹ đất tăng gia của đơn vị rất hạn hẹp. Vì vậy đơn vị còn chú trọng công tác cải tạo đất như: Phơi đất kết hợp với rải vôi để khử trùng, khử chua và bón lót phân hữu cơ tạo chất dinh dưỡng cho đất, giúp cây trồng có môi trường phát triển tốt nhất. Cùng với việc lựa chọn giống cây trồng có năng suất cao, khả năng chịu đựng trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường; đơn vị còn cắt cử, bố trí lực lượng chăm sóc hằng ngày, thường xuyên quan sát, phát hiện các triệu chứng bất thường của cây trồng, vật nuôi, chủ động ngăn ngừa sâu bệnh và có các biện pháp phòng dịch bệnh kịp thời cho đàn gia súc, gia cầm”.

Đặc biệt trong thời gian qua, các đơn vị của Lữ đoàn đã chủ động cử cán bộ, nhân viên có trình độ, khả năng tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng một số loại rau cao cấp, giống cây trồng mới và cách phòng trừ sâu bệnh; phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm tại các trung tâm khuyến nông và trạm thú y địa phương. Nhờ đó, phong trào TGSX của đơn vị luôn duy trì và phát triển tốt mang lại hiệu quả cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Lữ đoàn luôn bảo đảm tự túc 100% nhu cầu thịt lợn, thịt gia cầm, rau xanh; 80% nhu cầu cá tươi, trứng; giá trị TGSX trừ chi phí đạt 1.390.000 đồng/người/năm, đạt 105% kế hoạch đề ra. Thành quả từ TGSX được đưa vào bữa ăn, cải thiện đời sống cho bộ đội. Giúp cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, nhất là những chiến sĩ mới luôn có rau xanh, thịt sạch, cá tươi trong mỗi bữa ăn; đảm bảo tốt quân số khỏe cho huấn luyện; cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng, quyết tâm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: VĂN CÔNG - QUÝ HÙNG