Đặc sắc chợ tình vùng cao

Nói về bản sắc văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc không thể không nhắc đến các phiên chợ với các sản vật đặc trưng của từng vùng, từng dân tộc. ở một số nơi trong tỉnh có một phiên chợ mà không phải ai cũng biết và được tham gia - đó là “chợ tình”.


Toàn cảnh khu vực Bằng Ca, xã Lý Quốc (Hạ Lang).

Chợ tình trong tiếng Tày, Nùng gọi là “háng pha làng”. Chợ tình không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm và lưu giữ những kỷ niệm của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Cao Bằng nổi tiếng với chợ tình “Phong lưu” ở Bảo Lạc, nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô… Còn ở khu vực miền Đông cũng có phiên chợ tình mang đậm bản sắc dân tộc Tày, Nùng ở huyện Hạ Lang. Chợ tình ở Hạ Lang diễn ra ba lần trong năm vào tháng Giêng, tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hằng năm, kéo dài trong 2 ngày.

Hòa với không khí mùa xuân ấm áp, phiên chợ tình đầu tiên trong năm sẽ diễn ra sau chợ hội “Háng toán” ở xã Lý Quốc (Hạ Lang) dành cho tất cả mọi lứa tuổi. Chợ hội diễn ra trong 2 ngày 28 - 29 tháng Giêng. Phiên “Háng toán” ngày 28 sẽ diễn ra tại chợ Bằng Ca; ngày 29 diễn ra ngay tại con dốc nằm ở đường chính xóm Bang Dưới. Sau đó vào ngày 30 tháng Giêng và ngày mùng một tháng Hai, địa điểm chợ tình được di chuyển tới cạnh con suối thơ mộng có tên suối Pha Làng, tiếng Tày, Nùng là “Tha Pha Làng” ở ngay xóm Bản Xà, xã Thắng Lợi.

Từ ngày xưa, đã thành thông lệ, vào ngày chợ hội, “đến hẹn lại lên” trai gái ở khắp nơi trong khu vực sẽ tụ họp tại chợ Bằng Ca. Không chỉ với mục đích đi chơi hội xuân bình thường mà nhiều chàng trai, cô gái chưa lập gia đình sẽ tới hội chợ cùng bắt quen với nhau bằng những câu lượn tình tứ, họ mang theo những bộ trang phục Tày, Nùng uyển chuyển, dịu dàng, hy vọng có thể tìm được bạn tình ưng ý để kết duyên vợ chồng.    

Vào ngày đầu, những chàng trai, cô gái sẽ đứng ở hai bên bờ suối Pha Làng bắt chuyện làm quen. Những tiếng lượn mượt mà, êm dịu văng vẳng bên hai bờ suối là tâm tư, tình cảm của những bạn trẻ đang tán tỉnh nhau. Những câu lượn cất lên thay lời muốn nói của chàng trai, cô gái. Khi muốn bắt chuyện làm quen, chàng trai bắt đầu lượn bằng câu chào: “Mắt thấy bướm lượn qua đường/Thấy người xa lạ lòng thương muốn chào”.

Nếu bên cô gái thấy ưng chàng trai và muốn tìm hiểu đối phương sẽ đáp lại bằng câu hát: “Thoảng nghe tiếng vọng ngoài tai/Tiếng xui, tiếng giục vọng ai thế này”. Còn nếu bên cô gái không thích sẽ đối lại bằng một bài hát chối: “Đầu hôm vừa tổng một canh khuya, tiếng lượn, tiếng hát đưa về cho ai/Nay em xin chối thật thà/Hát ca không biết người ta chê cười...”. Sau những tiếng lượn bắt quen thành công chính là lúc hai bên trai gái làm quen thể hiện tâm tư của mình qua những câu lượn đối đáp dịu dàng mà e thẹn của hai bên. Qua những buổi chợ tình đã se duyên biết bao mối tình đẹp.

Hát lượn đối đáp không chỉ vào ngày đầu tiên mà còn kéo dài tiếp qua ngày thứ hai của “háng pha làng”. Không nhộn nhịp như ngày đầu, ngày thứ hai như một buổi hẹn hò thực sự của những cặp đôi đã tìm thấy nhau. Tiếng hát trở nên ngọt ngào, tình cảm như muốn quấn quýt lấy nhau, như muốn níu lại thời gian tươi đẹp khi tình yêu mới chớm nở.

Không chỉ những chàng trai, cô gái ở lứa tuổi đôi mươi e ấp muốn tìm bạn tình, tại chợ tình còn xuất hiện gương mặt đã ở tuổi xế chiều. Họ đến để ôn lại những câu chuyện xưa cũ, để gặp mặt những người bạn già, gặp người thương từng bỏ lỡ. Những người già cũng có cách đối đáp lượn riêng của mình.

Họ cũng gửi những tâm tư, tình cảm còn dang dở thuở thiếu thời vào tiếng hát, gửi những câu chuyện xưa không kịp nên duyên. Họ ôn lại chuyện xưa cũ để thỏa mãn nỗi lòng thời còn trẻ. Hay chỉ đơn giản gặp lại những bạn già hỏi thăm đôi lời sức khỏe, hỏi thăm con cái, gia đình, chuyện làm ăn...


Các cụ già hàn huyên ôn lại những ký ức về chợ tình ngày xưa.

Cũng giống các chợ phiên khác, ở chợ tình Hạ Lang cũng có nhiều món ẩm thực của địa phương được bày bán như khẩu sli, bánh khảo, bánh nướng... Những chén rượu gạo ấm nồng vừa ngửi đã say lòng người cũng không thể thiếu trong ngày “háng pha làng”. Các trò chơi dân gian như tung còn, kéo co... được tổ chức rất náo nhiệt. Không chỉ hát đối đáp tìm bạn tình, giờ đây chợ tình còn giao lưu ca hát nhiều vùng qua các giai điệu hát lượn, sli...

Đến tháng Ba và tháng Bảy, chợ tình cũng diễn ra 2 ngày bắt đầu từ ngày 30. Đến nay, phiên chợ tình “háng pha làng” ở Hạ Lang vẫn được duy trì nhưng chủ yếu chỉ còn trong tháng Giêng. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân nơi đây cũng thay đổi hơn trước nên những màn hát lượn đối đáp không được giữ vẹn nguyên như xưa.

Chợ không chỉ diễn ra hoạt động buôn bán bình thường, không khí ngày hội nhộn nhịp và vui tươi, nhiều trò chơi dân gian được diễn ra tại ngày hội, du khách có thể bắt gặp các trò chơi tung còn, kéo co, cờ người, hay các trò chơi hiện đại như giao lưu bóng chuyền giữa các khối cơ quan trong khu vực, văn nghệ chào mừng cũng được chuẩn bị công phu.

Theo báo cao bằng