Bình dị người đưa cơm nuôi Bác Hồ ở Pác Bó

Sống trọn gần một thế kỷ, bà Hoàng Thị Khìn, người đưa cơm nuôi Bác Hồ khi Người ở hang Pác Bó (Cao Bằng) vừa về cõi vĩnh hằng. Suốt cuộc đời gắn bó với quê hương cách mạng, bà là tấm gương sáng về lòng trung thành, đức tính giản dị, hiếu nghĩa...

Năm 1940, bố đẻ bà Hoàng Thị Khìn là cụ Hoàng Quốc Long (lão thành cách mạng) thường hay đón mấy người bạn tồng (theo tiếng Nùng có nghĩa là anh em kết nghĩa) như Hoàng Tô, Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba... đến nhà bàn bạc việc đến khuya, rồi sáng sớm lại đi. Cụ thường nói với các con: Những người bạn tồng của pá (cha) là người tốt bụng đang tìm con đường đánh đuổi quan Tây, cường hào áp bức, cướp bóc dân bản Pác Bó để bản ta thoát khỏi kiếp sống bị áp bức đến cùng cực. Các con phải tuyệt đối trung thành bảo vệ, phục vụ những người bạn tồng của pá.


  Bà Hoàng Thị Khìn (giữa) kể chuyện về Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Pác Bó.

Nghe lời pá dặn, bà Khìn và các chị em trong nhà tuyệt đối giữ bí mật, đưa đón bạn tồng của pá đi lại, ăn ở những ngày đến Pác Bó trước sự lùng sục gắt gao của quan Tây, lĩnh dõng...  

“Giáp Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ (1941), ngoài trời lạnh buốt như kim châm, tôi thấy pá thức trắng đêm bên bếp lửa, vẻ mặt trầm tư... Rồi những ngày Tết, pá cùng mấy người bạn tồng không về nhà. Mấy mẹ con ở nhà ruột gan đỏ như than bếp... Khi pá về cùng ông Lê Quảng Ba, nói với tôi và chị gái Hoàng Thị Hoa rằng: Pá mới có thêm một người bạn tồng tốt bụng đang ở tạm tại hang Pác Bó đầu nguồn suối Giàng (tức suối Lênin bây giờ). Hai chị em nấu cơm đem lên cho bạn tồng của pá nhé!

Nghe vậy, hai chị em tôi lo lắng hỏi pá: “Ngày Tết trời lạnh buốt thế này, sao bạn tồng của pá không đến nhà mình mà lại ở trên rừng núi đá lạnh, nhiều thú dữ...?”. Pá nhíu mày, mặt trầm tư nói: “Hai con cứ bí mật làm như pá dặn, rồi sau này các con sẽ hiểu”-bà Khìn đã có lần kể với tôi như thế.

Đang ngày Tết nên chị em bà Khìn đồ xôi và làm món thịt treo gói vào lá chuối, rồi theo ông Lê Quảng Ba đi lên đầu nguồn suối Giàng gặp ông Ké (sau này bà Khìn mới biết là Bác Hồ). Ông Ké nói tiếng Nùng rất ấm áp, ân cần hỏi thăm đời sống của dân bản và dạy dỗ hai chị em nhiều điều hay lẽ phải.

Nghe theo lời ông Ké, bà Khìn xung phong làm công tác tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Đội du kích Pác Bó ở vùng núi đá Lục khu, châu Hà Quảng (nay là  huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), rồi sau đó trở thành đội viên đội du kích tham gia cách mạng ở quê nhà (xã Trường Hà).

Ngày 2-5-1945, khi nghe ông Ké nói hôm sau sẽ đi công tác xa (sau này bà Khìn mới biết là Người xuống Tân Trào, Tuyên Quang), bà con trong bản Pác Bó không ngủ được. Tốp thì khâu áo, túi, giày vải, tốp thì chuẩn bị cơm nắm, lương thực cho cả đoàn công tác. Sáng mờ sương ngày 3-5-1945, bà con Pác Bó bịn rịn tiễn Người và đoàn công tác...  

Cách mạng Tháng Tám thành công, bà Khìn và gia đình vẫn gắn bó với bản Pác Bó và trở thành nhân chứng sống về tấm gương vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Năm 1961, khi Bác Hồ về thăm lại bản Pác Bó, bà Khìn được vinh dự ra tận đầu bản đón Bác. Tháng 9-1969 khi Bác Hồ đi xa, bà Khìn cũng vinh dự được thay mặt dân bản Pác Bó về Hà Nội viếng Bác.

Nhiều câu chuyện bà Khìn kể về Bác Hồ những ngày hoạt động, làm việc ở Pác Bó đã trở thành tư liệu, nhân chứng sống sinh động phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giản dị gắn bó với nhân dân trong nhiều bài viết, nhiều phim tư liệu quý về Bác Hồ của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Quân đội nhân dân.

Noi gương Bác, bà Khìn luôn sống giản dị, tiết kiệm và dạy bảo con cháu trở thành người có ích. 

Ngày hôm nay (5-4-2022), đông đảo các thế hệ con cháu và người dân bản Pác Bó đưa tiễn bà Khìn về với mây trăng đầu nguồn cách mạng, về với Bác Hồ kính yêu!

Theo QĐND