Củng cố trận địa tư tưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhìn một cách bao quát, có thể thấy, dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt đối với hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Riêng với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có tính đặc thù, đòi hỏi quá trình nhận diện và giải pháp đấu tranh phải trên tinh thần lấy xây để chống, tăng cường củng cố vững chắc trận địa tư tưởng...

Nghĩ từ bộ cồng ám khói và tiếng nhạc smartphone

Trong chuyến công tác ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước vừa qua, chúng tôi được giới thiệu đến sóc Bu Cà Rói (thôn 5), xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, một trong những thôn DTTS điển hình của tỉnh. Thôn có gần 360 hộ đồng bào dân tộc S’Tiêng, được đầu tư xây dựng nông thôn mới với các thiết chế văn hóa-thể thao khá đồng bộ. Đời sống bà con được cải thiện nhờ mô hình sản xuất xen canh. Chi bộ thôn có 11 đảng viên. Đồng chí Điểu Lý, Bí thư chi bộ, vừa được bầu chọn là công dân tiêu biểu của tỉnh Bình Phước. Già làng Điểu Cang, 70 tuổi, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển đời sống kinh tế của bà con, nhưng ông lại trăn trở, lo lắng vì những phong tục truyền thống từ lâu đời, đang có nguy cơ biến mất. “Đội cồng chiêng của sóc Bu Cà Rói toàn người lớn tuổi thôi. Thanh niên bây giờ không thích đánh cồng chiêng, nhiều đứa không hiểu ý nghĩa các điệu nhạc của dân tộc mình. Tụi nó chỉ thích xài điện thoại thông minh. Thanh niên nào cũng có, ngồi ở đâu cũng lên mạng lướt nét”-già làng Điểu Cang nói.

Góc nhìn cận cảnh từ sóc Bu Cà Rói phần nào phản ánh bức tranh đời sống đồng bào DTTS hiện nay, nhất là ở vùng núi. Chương trình nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn theo hướng văn minh. Tuy nhiên, đi kèm với những bước phát triển vượt bậc về hạ tầng nông thôn, đời sống kinh tế, là những thách thức to lớn đặt ra trong xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn bản sắc dân tộc.

"Cơn sốt” smartphone và thiết bị điện tử thông minh cuốn lớp trẻ ở các phum, sóc, buôn, ấp, bản, làng... vào nhịp sống hiện đại. Háo hức, tò mò, thích khám phá, bị cuốn hút bởi cái mới lạ... là tâm lý chung. Đến nhiều nơi, chúng tôi thấy trên vách nhà của nhiều hộ dân không còn treo sừng trâu, gùi, xà gạc..., thay vào đó là tranh, ảnh của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng thế giới. Ngay cả bộ cồng quý bằng đồng, có tuổi đời cả trăm năm ở sóc Bu Cà Rói, giờ nằm im ỉm trên gác, khói bám thành lớp bồ hóng đen kịt. Nhiều phong tục lễ hội độc đáo của đồng bào các DTTS đã gần như biến mất. Cộng đồng người DTTS vùng núi các tỉnh Tây Bắc di cư vào Nam Bộ, Tây Nguyên, do thay đổi môi trường sống, chịu ảnh hưởng của quy luật giao thoa, tiếp biến nên việc bảo tồn phong tục tập quán cũng hết sức khó khăn. Điều này đã và đang đẩy một bộ phận đồng bào DTTS, nhất là lớp trẻ, quay lưng với phong tục, phai nhạt bản sắc. Đây chính là môi trường để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, truyền bá lối sống thực dụng, lệch lạc, văn hóa xấu độc, nhằm thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ giữa đồng bào DTTS với Đảng. Một trong những biểu hiện rõ nhất là các hành vi lén lút truyền đạo trái phép, lôi kéo đồng bào từ bỏ phong tục truyền thống, đi theo một số tà đạo, kích động hận thù, gây mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Bị sa vào cái bẫy này, tất yếu sẽ suy thoái đạo đức, lối sống, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ảnh hưởng đến trận địa tư tưởng của Đảng trong đồng bào DTTS.


Ảnh minh họa. TTXVN.

Bồi đắp lòng tin, chấn hưng phong tục, chú trọng công tác cán bộ

Nhận định những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống liên quan đến đồng bào DTTS, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu rõ: “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước...”.

Thực trạng này vừa là thách thức mang tính thời sự, vừa là vấn đề mang tính lịch sử. Gần nửa thế kỷ kể từ ngày thống nhất đất nước, chủ trương hòa hợp dân tộc, thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta luôn gặp phải những rào cản nhất định từ tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Đây là những kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng, chống phá. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhận định: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn”...

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong cả nước nói chung và trong đồng bào DTTS nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng những biểu hiện, hạn chế nói trên vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thậm chí, lối sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, mê tín dị đoan núp bóng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng... đang len lỏi sâu vào đời sống một bộ phận đồng bào DTTS. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân tộc, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc”...

Đồng bào DTTS đa số sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, trình độ văn hóa, mặt bằng dân trí thấp, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Đặc điểm này đòi hỏi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong vùng đồng bào DTTS phải tiến hành đồng bộ giữa xây và chống. Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30-10-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, xác định: “Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS. Các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS”.

Sự can thiệp, ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc của văn minh công nghiệp vào đời sống đồng bào ở các phum, sóc, buôn, ấp, bản, làng... là quy luật tất yếu của phát triển. Bên cạnh những tác động của mặt trái, tiêu cực, nếu chúng ta biết tận dụng, khai thác đúng cách thì đây lại chính là lợi thế kỹ thuật to lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào. Thời gian qua, nhiều địa phương, tổ chức chính trị-xã hội đã có sáng kiến sử dụng mạng xã hội thông qua thiết bị di động thông minh để dạy hát dân ca, khôi phục nền âm nhạc truyền thống của đồng bào DTTS ở từng vùng, miền. Ngành tuyên giáo nhiều địa phương triển khai chương trình “giảm nghèo thông tin” trong vùng đồng bào DTTS bằng các hình thức tuyên truyền sinh động thông qua thiết bị di động thông minh. Hiệu quả rõ rệt trong đợt tuyên truyền đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là minh chứng sinh động. Đó là những cách làm, mô hình sáng tạo, hiệu quả, cần tiếp tục được khuyến khích, áp dụng rộng rãi, thường xuyên.

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp, dành sự quan tâm đặc biệt tập trung phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các chương trình, mô hình công tác dân vận của các đơn vị lực lượng vũ trang, nhất là Bộ đội Biên phòng, các đoàn kinh tế-quốc phòng... bên cạnh giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, còn lồng ghép các chương trình giáo dục, lựa chọn nguồn bồi dưỡng phát triển Đảng, đào tạo nguồn nhân lực đồng bào DTTS hiệu quả.

Như vậy, để góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng trong đồng bào DTTS, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phải bắt đầu bằng vai trò tích cực, chủ động từ cấp ủy và hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, dồn gánh nặng cho Trung ương. Các hình thức, giải pháp phải hướng đến tập trung củng cố, bồi đắp lòng tin, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất giữa đồng bào với cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở từng địa phương; khôi phục, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán lành mạnh; chăm lo công tác phát triển Đảng và tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ DTTS ngay từ mỗi phum, sóc, thôn, ấp, bản, làng...

QĐND