Cần thẳng thắn, trung thực, không giấu giếm khuyết điểm

Thời gian qua, một số đơn vị LLVT Quân khu còn có biểu hiện giấu giếm khuyết điểm khi cơ quan kiểm tra Đảng ủy Quân khu đến làm việc, hay các đoàn kiểm tra của thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu đi kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, dẫn đến các vụ việc không được báo cáo kịp thời theo phân cấp từ dưới lên trên. Các vụ việc xảy ra như mất an toàn trong huấn luyện, công tác các cấp cơ sở thường chủ quan không báo cáo ngay, đến khi sự việc không thể che giấu được, chỉ huy đơn vị mới lên báo cáo thì vụ việc đã trở nên nghiêm trọng.


Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 382 đọc báo sau giờ huấn luyện.

Việc “báo cáo không trung thực” là biểu hiện cụ thể của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện rất rõ và điểm mặt, chỉ tên như “giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm”, “kê khai tài sản không trung thực”, “mắc bệnh thành tích”, “chạy thành tích”, "chạy danh hiệu”, “quan liêu, xa rời quần chúng”... Nếu xem nhẹ những biểu hiện trên sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ đơn vị. Tình trạng “báo cáo không trung thực” đến bệnh “bệnh thành tích”, cố tình che giấu khuyết điểm, thổi phồng, tô vẽ thành tích để cuối năm các cấp bình xét thi đua, khen thưởng có lợi cho đơn vị mình.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “báo cáo không trung thực”, giải pháp cơ bản nhất là tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Song muốn kiểm tra có kết quả tốt, thì việc kiểm tra phải là nhiệm vụ được tiến hành thường xuyên, kết hợp tốt giữa định kỳ và đột xuất, khi thấy dấu hiệu không trung thực. Cán bộ cấp trên đi kiểm tra đơn vị phải là những người vừa có năng lực chuyên môn, vừa là những người trung thực. Kiểm tra phải trực tiếp đi tận nơi, xem xét vấn đề tại chỗ, từ đó đối chiếu với những điều mà cấp dưới đã báo cáo, xem đúng, sai như thế nào; ưu, khuyết điểm của cấp dưới cũng như tính thực tiễn trong các mục tiêu, chỉ thị do cấp mình đưa ra. 

Mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá mình cho thật khách quan. Tập trung kiểm điểm trên các vấn đề trách nhiệm đối với công việc, đối với đơn vị; phẩm chất cá nhân của mình về các mặt: Nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng... Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Từ thực trạng một số đơn vị chưa thực sự thành khẩn trong báo cáo đã dẫn đến hậu quả vụ việc xảy ra không được chỉ đạo xử lý kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt, hiểu đúng tác hại của việc báo cáo không kịp thời, giấu giếm khuyết điểm, “bệnh thành tích” để tập trung xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Bài và ảnh: MINH QUANG