Vấn đề “hậu duệ” - nhìn từ góc độ văn hóa chính trị:
Bài 1: “Phép thử” của chế độ

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại trong ngày trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).

Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền từ thời khắc ấy. Và cũng từ đó, như một quy luật, Đảng ta phải đối mặt với nguy cơ tha hóa quyền lực, trong đó có “phép thử” của mọi chế độ-vấn đề “hậu duệ”...

Hậu duệ với nghĩa gốc là từ trang trọng dành để nói về con cháu, thế hệ sau của một người nào đó. Còn vấn đề “hậu duệ” hay vấn đề “9C”-"con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu” trong công tác cán bộ được hiểu theo nghĩa tiêu cực vốn là sản phẩm tàn dư của một xã hội đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến. “Con quan rồi lại làm quan” đương nhiên là một tư duy lạc hậu, bất công, trái ngược hoàn toàn với đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng. Những năm gần đây, nhất là từ khi Đảng ta triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì vấn đề “hậu duệ” càng được quan tâm xử lý.


Tranh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Thực tiễn lịch sử các chế độ chính trị trên thế giới chỉ ra rằng, chế độ nào giải quyết tốt vấn đề “hậu duệ” thì tồn tại và phát triển, không giải quyết được vấn đề “hậu duệ” thì sẽ dẫn đến bại vong. Lịch sử phong kiến Việt Nam cũng vậy, “chọn thái tử” là vấn đề quyết định đến thịnh-suy của vương triều và nguyên nhân dẫn đến sự lụi tàn của tất cả các triều đại đều đến từ hậu duệ. Am hiểu sâu sắc văn hóa chính trị-văn hóa cầm quyền, chỉ 1,5 tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người cảnh báo những người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp về nạn: “Kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần phê phán tư duy “tứ ệ”: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì đồ đệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có câu nói nổi tiếng về tuyển chọn cán bộ: “Tìm người tài chứ không tìm người nhà”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, thế hệ tiền bối của cách mạng Việt Nam đã nêu gương sáng trong giải quyết vấn đề hậu duệ. Gia đình cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một ví dụ. Ông nội ông, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng từng là một vị quan to triều Nguyễn. Cụ để lại cuốn sách “Cổ huấn tử ca” giáo huấn con cháu theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống Việt Nam. Cụ khuyên con: “Khuyên con giữ việc học hành/ Trước cho biết nhẽ sau giành quyết khoa/ Tìm bạn tìm kẻ văn gia/ Những người cờ bạc, giăng hoa chớ cùng”. Đồng chí Trường Chinh đã sống một cuộc đời giản dị, liêm chính và dạy con cháu theo những chuẩn mực của nếp nhà. Con trai của đồng chí Trường Chinh khi đi du học ở Liên Xô gửi về cho bố mẹ tấm hình đang mặc quần ống loe (một biểu hiện của ăn chơi, đua đòi hồi đó). Ngay lập tức, đồng chí Trường Chinh yêu cầu cơ quan chức năng triệu hồi con mình về nước, cho nhập ngũ và vào chiến trường chiến đấu như bao người lính khác. Hiện nay, nhân dân rất ngưỡng mộ, đánh giá cao cuộc sống thanh bạch, bình dị, gần dân của gia đình Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Quần chúng nhân dân mong đợi, hy vọng vợ, con các cán bộ cấp cao sẽ nêu gương bằng cách học tập tác phong, lối sống từ tấm gương gia đình Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Càng tự hào về những đảng viên cộng sản chân chính, chúng ta càng đau lòng trước thực trạng vấn đề “hậu duệ” hiện nay. Trong bài phát biểu gây xúc động đặc biệt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XI ngày 15-10-2012, đã nhấn mạnh: “Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII đánh giá: “Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”. Trên diễn đàn Quốc hội và các buổi tiếp xúc cử tri, “hậu duệ” là từ khóa được nhắc đến với tần suất dày đặc. Trên báo chí, những cụm từ như “cả họ làm quan”, “con ông cháu cha”, “đảng ủy dòng họ”, “thiếu gia”, “thái tử đảng”, “hạt giống đỏ”, “bố ký quyết định bổ nhiệm con”, “chồng quy hoạch vợ”, “quan lộ thần tốc”... xuất hiện khá nhiều, tần suất cao, điểm mặt chỉ tên khá rõ vấn đề “hậu duệ” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay.

Lịch sử công tác xây dựng Đảng ta cũng chưa có nhiệm kỳ nào siết chặt vấn đề “hậu duệ” như nhiệm kỳ hiện nay. Chỉ riêng năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố việc kiểm tra hiện tượng “cả họ làm quan” ở 9 địa phương, bao gồm cả cấp cơ sở lẫn cấp trực thuộc Trung ương là: Tỉnh Yên Bái; tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An); huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế); huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc); huyện Phong Điền (TP Cần Thơ); Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Trung tâm Pháp y (Sở y tế TP Đà Nẵng)... Trong nhiệm kỳ này, Đảng ta đã công khai với báo chí khi xử lý kỷ luật nhiều trường hợp “hậu duệ” như: Ông Nguyễn Xuân Anh, con trai đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Lê Trương Hải Hiếu và ông Lê Tấn Hùng, con trai và em trai đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai đồng chí Nguyễn Bá Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Vũ Quang Hải, con trai đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng... “Đồng chí này là con đồng chí nào?”-một câu hỏi khôi hài được dư luận đặt ra mỗi khi chúng ta công bố quyết định nhân sự của một cấp ủy đảng nào đó, khiến những người Việt Nam có lương tri không thể không suy nghĩ!

Cách đây mấy năm, có một nữ chính khách phát biểu: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc” đã khiến dư luận dậy sóng. Theo văn hóa chính trị Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Việc con cháu làm “công bộc của nhân dân” để tiếp tục phụng sự lý tưởng cao đẹp của cha anh thì rõ là hồng phúc của dân tộc! Nhưng, tại sao phát biểu của nữ chính khách nọ nhận nhiều phản ứng bức xúc của dư luận? Vì nó đưa ra vào thời điểm nhiều trường hợp “con ông cháu cha” xuất hiện trong công tác cán bộ đang khiến người dân phiền lòng. Những cán bộ được bổ nhiệm cấp sở, cấp vụ khi tuổi đời mới chỉ 30, dù “đúng quy trình” nhưng bản thân cán bộ đó chưa qua rèn luyện, tu dưỡng khiến người dân bất bình. Cá biệt có những “cậu ấm” mới vào Đảng được vài ba năm đã được đề cử và trúng cử vào những cấp ủy quan trọng, tạo tiền đề để nắm giữ những chức vụ cao trong hệ thống chính trị...

Gần đây, nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội Nga chỉ ra rằng, Liên Xô sụp đổ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ nạn “hậu duệ”. Trừ thế hệ đảng viên cộng sản đời đầu thời Lênin hầu hết giữ được đạo đức cộng sản, đảng viên thế hệ F1, F2, F3... dần dần hình thành những nhóm đặc quyền, đặc lợi. Đặc điểm của nhóm này là được học hành bài bản, "bằng cấp đầy mình", thăng tiến “đúng quy trình” nhưng thường “lướt ghế” với tốc độ của tên lửa. Thượng tướng Yuri Churbanov, con rể Tổng bí thư Brezhnev thừa nhận rằng, chỉ sau một câu nói của bố vợ, ông đã được thăng quân hàm đại tá trước niên hạn, và điều mà chính ông không hiểu nổi là chỉ chưa đầy một năm, ông từ đại tá đã trở thành thượng tướng... Đến thời Gorbachev, các nhóm hậu duệ đã hình thành tầng lớp tự xưng là “tinh hoa của chế độ”. Để hợp pháp hóa những đặc quyền, đặc lợi, chính những nhóm hậu duệ này đã chung tay “cải tổ” mà thực ra là cải hoán chế độ từ XHCN sang TBCN. Danh hiệu đảng viên và lý tưởng cộng sản lúc đó chỉ là chiếc mặt nạ của các “hậu duệ”. Ngay từ đầu thập niên 1980, đa số trong 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đã không xem “tầng lớp tinh hoa” bao gồm khoảng 600.000 người của Đảng là đồng chí. Năm 1991, trong tầng lớp triệu phú ở Moscow, đại bộ phận là “hậu duệ” đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền. Khi Yeltsin tuyên bố nước Nga độc lập, phần lớn các “hậu duệ” trở thành quan chức của chính quyền mới hoặc trở thành thủ lĩnh các đảng chính trị-đối thủ của Đảng Cộng sản Nga. Nhà kinh tế học người Mỹ David Code đánh giá: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình”.

Nạn “hậu duệ” nguy hiểm tới sự tồn vong của chế độ XHCN vì nó làm phai nhạt và từng bước phá rã niềm tin của quần chúng vào chế độ, thúc đẩy bất công và xung đột xã hội. Muốn khắc phục, trước hết phải nhận rõ nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân sâu xa, căn cốt thì mới giải quyết được.

QĐND