50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 / 27-1-2023)
Hiệp định Paris - đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Cách đây 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris - hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Paris (Pháp). Đây là bước ngoặt lịch sử, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao

Từ năm 1965, cùng với việc đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao, với danh nghĩa  “để giải quyết vấn đề Việt Nam” nhưng thực chất là “đòi Việt Nam thương lượng không điều kiện”. Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (tháng 1-1967), Đảng ta chỉ rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”(1), qua đó nâng đấu tranh ngoại giao lên thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự, có giá trị như một bản Cương lĩnh đấu tranh ngoại giao của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu 

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tháng 5-1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao, tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris đã diễn ra đầy cam go, phức tạp, kéo dài gần 5 năm, với hàng trăm phiên công khai và bí mật, với khoảng 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức, kết thúc cuộc đàm phán lâu dài nhất, khó khăn, phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao của nước ta.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có 9 chương 23 điều, với những điều khoản quan trọng, như: Mỹ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân đội Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ; việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình...

Nói về sự kiện lịch sử ngày 27-1-1973, đồng chí Phạm Ngạc, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận định, Hiệp định Paris thực tế là trải “chiếu hoa” cho Mỹ rút quân. Bởi lẽ, Tổng thống Richard Nixon muốn cố kéo dài đàm phán và chiến tranh nhưng cuối cùng cũng thất bại. Trong đàm phán riêng với Mỹ, đoàn ta vừa kiên định lập trường, vừa tạo điều kiện để Mỹ rút khỏi sai lầm ở Việt Nam. Thái độ xây dựng đó cuối cùng đã làm Mỹ chủ động hợp tác, ký kết thành công hiệp định.

Thắng lợi của Hiệp định Paris đã buộc quân Mỹ và đồng minh phải rút khỏi miền Nam, nhân dân Việt Nam hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”. Đây là thắng lợi quyết định, bước ngoặt lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, tạo thời cơ thuận lợi để quân và dân Việt Nam tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của Hiệp định Paris về Việt Nam khẳng định bản chất cách mạng, khoa học, sáng tạo và tầm vóc thời đại trong đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

“Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong gần 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, dự báo và nắm đúng thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định của Đảng ta”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” diễn ra trung tuần tháng 1-2023.

Những bài học còn nguyên giá trị

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm của Hiệp định Paris về Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, Đại tá, PGS, TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh 4 bài học kinh nghiệm: Kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt khôn khéo trong sách lược, theo đó quá trình đàm phán thương lượng để đi đến ký kết Hiệp định, ta luôn dựa trên cơ sở cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo, khôn khéo về sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực và chủ động sáng tạo. Ta chủ trương hòa bình phải gắn liền với độc lập, tự do thực sự. Luôn giữ vững độc lập, tự chủ, coi đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong xử lý các vấn đề đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao; cùng với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán, ta đã đẩy mạnh các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam.


Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (ngồi giữa) tại Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: HỒNG NGUYỄN 

Ngày nay, chính sách đối ngoại trước sau như một của Việt Nam là: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cùng có lợi. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 191 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, với tổng thể các mối quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Bối cảnh tình hình khu vực và thế giới hiện nay có nhiều thay đổi với diễn biến khó lường nhưng những bài học quý báu từ cuộc đàm phán lịch sử tại Paris cách đây nửa thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên giá trị và cần được vận dụng hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Theo QĐND