Độc đáo kiến trúc đình Gai

Đình Gai còn có tên gọi là đình Cẩm Đối nằm ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Đình Gai là một ngôi đình linh thiêng, có từ lâu đời, đây là nơi không chỉ thu hút đông đảo người nhân dân địa phương và các vùng lân cận tới chiêm bái, tham quan mà còn có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc.

Đình Gai được xây dựng với quy mô lớn vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) và được trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đình Gai tọa lạc trên một khu đất cao ráo rộng, quay mặt về hướng Nam, phía trước là trục đường liên thôn, xung quanh là khu dân cư. 


Đình Gai tại thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, đình Gai được xây dựng từ lâu, đây là nơi thờ 2 vị thành hoàng là Đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, những vị tướng của Hùng Duệ Vương, đã có nhiều công lao đánh giặc Thục (thế kỷ III- trước công nguyên), đem lại thái bình cho đất nước. Điểm độc đáo của đình Gai đó là nghệ thuật kiến trúc. Đình Gai là một di tích thiên về kiến trúc nghệ thuật, được xây dựng theo bố cục hình chữ Đinh, với toà đại đình 5 gian, 2 trái gắn kết với Hậu cung 2 gian, đề tài trạm khắc được thể hiện ở các đầu dư mõm kẻ được trạm khắc là đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) hình vặn xoắn rất phong phú.

Tòa tiền đường đình Gai có 7 gian, bộ khung được liên kết bởi bốn vì kèo kiểu ba hàng chân cột. Mỗi bộ vì bố trí ba cây cột theo kiểu chôn cột cái phía trước. Các cột được tạo dáng búp đòng; phần chân cột được kê trên các chân tảng đá xanh hình vuông mặt chạm gờ tròn nổi, tạo thế vững chắc cho công trình. Để tạo nên bộ khung tòa tiền đường ở đây có 3 dạng vì liên kết chủ yếu: Vì nóc, vì nách và liên kết hiên. Bộ cửa tiền đường được gia công bằng gỗ lim theo kiểu bức bàn chạy dọc 5 gian giữa của công trình. Khoang cửa giữa gồm 6 cánh. Bốn khoang cửa còn lại mỗi khoang 5 cánh, kích thước giống khoang cửa giữa. Toàn bộ hệ thống cửa được đặt trong khung gỗ lắp chân quay vừa tạo thế trang nghiêm kín đáo, vừa thuận tiện cho việc đóng mở.

Phần trang trí mỹ thuật tại toà tiền đường được tập trung thể hiện trên nhiều cấu kiện song tiêu biểu nhất ở các cấu kiện như: Trên hệ thống 12 cây bẩy hiên tại tiền đường đều được chạm khắc sinh động các đề tài: lá lật, lá lật hóa long, các đường chạm sắc nét, mềm mại, đầu bẩy chạm chữ “thọ” theo kiểu chữ triện. Trên các con rường và xà nách đều chạm khắc họa tiết long hóa, đan xem họa tiết lá lật. Đường nét chạm khắc trên các cấu kiện gỗ tại đây mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ XIX, với bố cục chặt chẽ, khá tinh xảo đã làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc.Trung đường có 3 gian quay dọc. Phần mái công trình lợp ngói nam với các góc đao uốn cong mềm mại. Bộ khung công trình làm bằng gỗ lim. Nâng đỡ bộ mái đao là 4 bộ vì gồm 8 cột cái và 8 cột quân cao. Cùng với đó là các cấu kiện câu đầu, xà ngang, xà dọc, bẩy hai bên liên kết chặt chẽ với nhau. Các bộ vì ở tòa trung đường cũng được gia công giống như tòa tiền đường song có phần cầu kỳ hơn. Hai bộ vì thứ nhất và thứ hai của tòa trung đường ngoài chức năng nâng đỡ hệ thống mái còn lắp dựng hệ thống cửa tạo cho không gian thờ tự được trang nghiêm kín đáo. Bộ cửa gồm 4 cánh, hai cánh cửa giữa đục chạm thông phong họa tiết tứ linh chầu mặt trời, hai cánh cửa hai bên chạm rồng chầu, hoa văn sóng nước. Phía ngoài bộ cánh cửa là bộ cửa võng, đỉnh trên cửa võng chạm họa tiết rồng chầu mặt trời, diềm hai bên chạm tứ linh. Toàn bộ hệ thống cánh cửa võng được sơn son thếp vàng và mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Ông Nguyễn Văn Thao, Ban quản lý di tích đình làng Gai, cho biết: “Đình Gai là nơi tổ chức các buổi hội họp bàn thảo các công việc của làng, của hợp tác xã qua nhiều thời kỳ. Trong di tích Đình Gai còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý thời Lê, có ý nghĩa lịch sử, nghiên cứu như: bia đá, sắc phong, kiệu bát cống, ngai thờ, bài vị, hoành phi câu đối… Và một số hiện vật thời Nguyễn như: Sập thờ, bát hương, đèn, đài nước, làm phong phú về loại hình niên đại và chất liệu cấu thành một di tích hoàn chỉnh như ngày nay”. Ngoài các giá trị về kiến trúc, đình làng Gai còn bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa phi vật thể đó là tục nuôi lợn đen trong các ngày lễ, tết, nghinh xuân rước Thánh. Luân phiên các gia đình trong thôn đều phải nuôi một con lợn nái đen để khi làng tổ chức lễ hội mang lợn đó ra để tế thần. Ngày 10 tháng 5 hằng năm, làng Gai tổ chức lễ hội đình làng Gai. Sau phần lễ, phần hội diễn ra tại sân đình với những trò chơi dân gian độc đáo như đánh đu, đánh vật, chọi gà…

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, ngày 28-3-2019, Bộ văn hóa thể thao và du lịch đã có Quyết định số 1186 xếp hạng Đình Gai, thị trấn Đồi Ngô là di tích Kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia.
long vũ

long vũ